Ông Trump không hài lòng với Tim Cook
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự không hài lòng với CEO Tim Cook của Apple về việc hãng này chuyển dây chuyền sản xuất iPhone sang Ấn Độ thay vì mở rộng tại Mỹ.
“Tôi có một chút vấn đề với Tim Cook ngày hôm qua”, Tổng thốn Donald Trump phát biểu tại Qatar hôm 15/5 trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông. “Tôi nói với ông ấy, ‘Tim, anh là bạn tôi. Tôi đã đối xử rất tốt với anh. Anh đến với 500 tỷ USD đầu tư’, nhưng giờ tôi nghe nói anh xây dựng khắp nơi ở Ấn Độ. Tôi không muốn anh xây dựng ở Ấn Độ”.
Việc sản xuất tại Ấn Độ là một phần trong chiến lược của Apple nhằm tránh các khoản thuế cao mà chính quyền Tổng thống Trump từng áp dụng nhằm khuyến khích sản xuất trong nước. Theo ước tính, nếu tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc, Apple có thể phải chịu thêm 900 triệu USD chi phí trong quý này do thuế.

Ông Trump không muốn Apple chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Phát biểu trong cuộc họp với các nhà phân tích, CEO Tim Cook cho biết: “Tôi kỳ vọng phần lớn iPhone bán tại Mỹ sẽ có xuất xứ từ Ấn Độ”. Kế hoạch này là bước tiến tiếp theo trong nỗ lực kéo dài nhiều năm của Apple nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, đồng thời củng cố năng lực sản xuất tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc đưa toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ vẫn là một mục tiêu khó khả thi, theo CNN. Các chuyên gia nhận định rằng chi phí lao động và hạ tầng cao có thể đẩy giá bán một chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ có lên gấp ba lần. Ông Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu tại Wedbush Securities, cho rằng mức giá có thể lên tới 3.500 USD cho mỗi chiếc iPhone.
Bất chấp chỉ trích từ ông Trump, Apple vẫn tiếp tục duy trì cam kết đầu tư 500 tỷ USD trong vòng bốn năm tới để mở rộng hoạt động tại Mỹ. Khoản đầu tư này dự kiến tạo ra 20.000 việc làm mới và đẩy mạnh sản xuất một số dòng sản phẩm như máy tính Mac Pro tại bang Texas.
Ngoài ra, Apple cũng đang tiến hành đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nơi từng gây ra nhiều gián đoạn trong sản xuất trong giai đoạn đại dịch.