Cần nền tảng tăng trưởng bền vững dưới áp lực thuế quan

Nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng biến động chưa từng có sau sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và các hàng rào thương mại mới. Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và FDI, đang phải đối mặt với cả áp lực và cơ hội trong việc định hình lại chiến lược phát triển để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2025 đã kết thúc với các phần chia sẻ cởi mở từ các doanh nghiệp, chuyên gia, định chế tài chính trong và ngoài nước.

Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2025 đã kết thúc với các phần chia sẻ cởi mở từ các doanh nghiệp, chuyên gia, định chế tài chính trong và ngoài nước.

Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2025 với chủ đề “Xây nền cho chu kỳ tăng trưởng mới” do Kinh tế Sài Gòn tổ chức giữa tuần qua với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã tập trung thảo luận về các tác động của chính sách thuế quan mới từ Mỹ và cách Việt Nam có thể giữ lợi thế cạnh tranh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao.

Giảm phụ thuộc “đồng biến” giữa xuất khẩu và thị trường nội địa

Theo các chuyên gia hiện diện ở diễn đàn, vấn đề nóng nhất hiện nay là sự bất ổn liên quan đến chính sách thuế và thương mại của Mỹ và họ đã đưa ra nhiều kịch bản về mức thuế tiềm năng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp tại trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam chắc chắn sẽ phải chịu một mức thuế nào đó từ Mỹ do việc Washington tuyên bố áp thuế đối ứng. Mức thuế cụ thể vẫn “chưa rõ ràng” và đang trong quá trình đàm phán.

Kịch bản tốt nhất được ông Thành kỳ vọng là mức 10-15% trên thiện chí từ phía Mỹ và sự chủ động của đoàn đàm phán Việt Nam. Ở mức này, hàng Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh, dòng vốn FDI vẫn tốt. Kịch bản xấu nhất là mức thuế 30-35%, khi đó “không còn khái niệm “Trung Quốc +1” cho Việt Nam”. Kịch bản khả thi hơn được đặt ra là 18-22%.

Dù mức thuế 20% là “trong tầm tay” nhưng con số này vẫn được xem là “cao, ảnh hưởng tiêu cực đến dài hạn” và buộc “các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tính toán lại”, ông Thành cho hay. Mức thuế đối ứng này sẽ được cộng thêm vào thuế suất hiện hành (ví dụ, dệt may đang 15% sẽ cộng thêm 20%).

Áp lực thuế quan này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà còn tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam. Sức ép thuế quan sẽ làm giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Ngoài ra, nó còn làm giảm xuất khẩu sang thị trường khác khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Điều này ảnh hưởng đến các trụ cột tăng trưởng khác. Cầu nội địa sẽ giảm khi thu nhập và việc làm gắn với sản xuất công nghiệp xuất khẩu giảm. Ngành du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Ông Thành bình luận rằng mặc dù đầu tư công vào cơ sở hạ tầng tăng mạnh, nhưng hai động lực vẫn ở mức độ yếu, là tiêu dùng trong nước và đầu tư của doanh nghiệp tư nhân. Tổng đầu tư trong quí 1 tăng 8,3% so với cùng kỳ, nhưng các doanh nghiệp tư nhân vẫn rất thận trọng trong đầu tư mở rộng sản xuất. Đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 5,5%, thấp hơn nhiều so với đầu tư nhà nước (13,7%) và đầu tư khối ngoại (9,3%).

Cái khó của Việt Nam so với các nền kinh tế khác như ASEAN và Trung Quốc là sự phụ thuộc “đồng biến” giữa xuất khẩu và thị trường trong nước. Nếu xuất khẩu yếu do thuế quan sẽ kéo theo việc làm yếu, chuyển sang sức mua trong nước yếu. Ngược lại, nếu thuận lợi thì cả hai cùng thuận lợi. Mức thuế quan cao sẽ dẫn tới tâm lý bi quan trong tiêu dùng, tiếp theo là đầu tư tư nhân, và có thể là đầu tư FDI.

Kích cầu thông qua chính sách tài khóa

 Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp tại trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam trình bày tại diễn đàn. Ảnh: KTSG Online

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp tại trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam trình bày tại diễn đàn. Ảnh: KTSG Online

Trong bối cảnh sức ép từ bên ngoài gia tăng, Việt Nam phải đối mặt với áp lực mạnh tay nới lỏng chính sách kích cầu nền kinh tế để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng. Dự báo của các định chế tài chính quốc tế đã phản ánh điều này. Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) vừa giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam từ 6,1% xuống còn 5,2% dựa trên kịch bản thuế quan xấu nhất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, dư địa chính sách tiền tệ để kích cầu không còn nhiều. Thách thức lớn nhất vẫn là làm sao có thể giữ mặt bằng lãi suất, bởi tín dụng tăng cao đòi hỏi cung tiền tăng, nhưng nếu nới lỏng tiền tệ thì lại gây sức ép đến tỷ giá. Trong khi đó, mục tiêu là không để tiền đồng mất giá quá mạnh nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng. Việc đồng tiền yếu đi có thể gây khó khăn cho các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.

Ngược lại, chính sách tài khóa được đánh giá là có dư địa lớn hơn. Ông Thành cho rằng khả năng giải ngân 35 tỉ đô la Mỹ đầu tư công trong năm nay là có khả năng đạt được. Điều này có thể trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng.

Từ góc độ ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Khu vực 2, TPHCM, cho biết tăng trưởng tín dụng trong bốn tháng đầu năm khá tích cực, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện ở mức tốt. Dư nợ tín dụng tại TPHCM đã tăng 2% so với cuối năm 2024 và tăng 12% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực mục tiêu như cho vay xuất khẩu (tăng 8% so với cùng kỳ), tín dụng tiêu dùng (tăng 14% so với cùng kỳ) đều cho thấy khả năng hấp thụ vốn tốt hơn. Ông Lệnh khẳng định các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng đang phát huy tác dụng và “các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn đang cho thấy khả năng hấp thụ vốn tốt hơn”. Ngành ngân hàng đang tập trung hỗ trợ giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, và tăng cường các chương trình kết nối.

Gia tăng nội lực và định hình lại chiến lược vốn

Những tác động hiện nay có thể kéo dài tại Việt Nam trong 3-4 năm tới. Do đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho tình huống, cân nhắc các giải pháp cho tương lai.

Ông Mohammad Mudasser, Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn quản lý nợ và nguồn vốn PwC Việt Nam, mô tả nền kinh tế đang ở giai đoạn bất ổn, dẫn đến “sự căng thẳng trong bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp”. Nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn đang gặp khó khăn, “nhiều công ty đến gặp nói cần thêm hạn mức vay ngắn hạn, có đơn hàng nhưng không có vốn để sản xuất”. Tuy nhận định rằng tác động của thuế quan sẽ làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn nhưng ông Mohammad cũng xem đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp định hình lại chiến lược vốn của mình.

Một đặc thù của kinh tế Việt Nam được PwC chỉ ra là “sử dụng dòng bẩy cao nhưng lại đa phần là nguồn vốn ngắn hạn”. Cấu trúc dòng vốn khoảng 65-75% là tài trợ cho ngắn hạn. Việt Nam cần nguồn vốn mang tính ổn định hơn để giúp doanh nghiệp hiệu quả. Từ đó, PwC Việt Nam khuyến nghị Nhà nước cần có cơ chế giúp “xây dựng niềm tin để nhóm ngân hàng ngoại có thể đánh giá được các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn doanh nghiệp nội cần xem lại quản lý quy trình nội bộ để có thể tiếp cận được tiêu chuẩn tín dụng”.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng đồng tình rằng “từ phía thị trường, doanh nghiệp vẫn cần phải có tính chủ động cao để ứng phó hàng rào thương mại”. Ông Lệnh nhấn mạnh từ khóa khuyến nghị với doanh nghiệp trong bối cảnh này là “niềm tin”. Đó là “sự tin tưởng vào các giải pháp của các cơ quan chức năng trong việc tạo lập môi trường đầu tư và hỗ trợ kinh doanh, với tinh thần là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp”.

Chuyển đổi mạnh trong thu hút FDI chất lượng cao

Toàn cảnh Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025. Ảnh: Lê Vũ

Toàn cảnh Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025. Ảnh: Lê Vũ

Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã thúc đẩy dòng vốn đổ mạnh vào các thị trường mới nổi như Việt Nam. Ngoài yếu tố chi phí, xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc và nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn đã mang lại cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp trong nước. Các nhà đầu tư vẫn giữ quan điểm lạc quan về dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam và tin vào chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc đua FDI đang dần chuyển sang chất lượng thay vì chỉ số lượng. Để duy trì sức hút và vượt lên trong cuộc đua thu hút FDI, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn bản lề. Áp lực từ môi trường chính sách toàn cầu bất ổn và cụ thể là các rào cản thuế quan mới từ Mỹ là rất rõ ràng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này gây sức ép lên việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao và đòi hỏi các phản ứng chính sách kịp thời, đặc biệt là về tài khóa.

Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành Khối bất động sản Công nghiệp và Nhà ở Frasers Property Vietnam, cho rằng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo đà cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI, nhưng đòi hỏi một sự chuyển đổi về chất lượng. Cuộc đua thu hút FDI trong kỷ nguyên mới không còn chỉ dựa vào chi phí thấp, mà phụ thuộc vào khả năng cung cấp một môi trường đầu tư toàn diện, bao gồm hạ tầng hiện đại (cứng và mềm), nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng cho công nghệ cao, cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững (ESG), và một môi trường chính sách ổn định, minh bạch, thân thiện với nhà đầu tư.

Việc chủ động đàm phán để giảm thiểu tác động của thuế quan là cần thiết, nhưng đồng thời, Việt Nam cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng nội tại vững chắc. Điều này bao gồm việc doanh nghiệp tự thân củng cố nội lực, tái cấu trúc chiến lược vốn, và chuẩn bị cho kịch bản khó khăn kéo dài.

Để xây nền cho chu kỳ tăng trưởng mới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đặc biệt là thủ tục hành chính và môi trường pháp lý, và có những đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư vào công nghệ cao. Chỉ khi đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam mới có thể duy trì được lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên đầy biến động phía trước.

Bên cạnh đó, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc Prodezi Long An, lưu ý rằng “hệ sinh thái xã hội (giáo dục, y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe) cũng đóng vai trò quyết định trong quyết định đầu tư” của các doanh nghiệp nước ngoài. Những yếu tố này cần được cân nhắc để thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cần cải thiện gì để thu hút FDI chất lượng cao?

Nâng cấp “hạ tầng mềm”: Không chỉ cần nâng cấp hạ tầng cứng mà còn phải cải thiện “hạ tầng mềm” - từ quy hoạch, thủ tục đầu tư đến môi trường phát triển công nghiệp bền vững. Các nhà đầu tư chất lượng cao yêu cầu hạ tầng mạnh mẽ như nguồn nước sạch, năng lượng tái tạo, Internet tốc độ cao. Vị trí gần cảng, sân bay để tối ưu hóa logistics, giảm chi phí và thời gian cũng rất quan trọng.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Lợi thế về lao động trẻ, năng động và chi phí hợp lý vẫn còn, nhưng để thu hút FDI chất lượng cao vào các lĩnh vực như công nghệ, điện tử, trung tâm dữ liệu, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn. Lực lượng lao động không chỉ cần tay nghề mà phải có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các ngành như chip, bán dẫn, ô tô điện.

Chú trọng phát triển bền vững và môi trường (ESG): Xu hướng phát triển bất động sản xanh, khu công nghiệp sinh thái và tiêu chuẩn ESG nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao ngày càng rõ nét. Chính sách bảo vệ môi trường trở thành nền tảng thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy các dự án xanh do các doanh nghiệp quốc tế ngày càng ưu tiên các dự án phát triển bền vững. Việt Nam cần “duy trì hệ sinh thái này để nâng cao khả năng cạnh tranh”.

Cải thiện môi trường đầu tư và chính sách: Các yếu tố như chính trị ổn định, một chính phủ thân thiện với nhà đầu tư, bộ máy vận hành tinh gọn, chính sách ưu đãi thuế rõ ràng, cũng như quỹ đất công nghiệp dồi dào là rất quan trọng. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý. Các cơ quan chức năng cần tạo lập môi trường đầu tư và hỗ trợ kinh doanh với tinh thần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng niềm tin.

Đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo: Công nghệ thay đổi nhanh chóng đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện hạ tầng công nghệ, đặc biệt là kết nối Internet, năng lượng sạch. Cần có các chính sách và đầu tư thích hợp để nâng cao năng lực tham gia sâu vào các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip, dược phẩm, công nghệ sinh học và thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo.

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-nen-tang-tang-truong-ben-vung-duoi-ap-luc-thue-quan/
Zalo