Bàn cơ chế đặc thù mới cho Hải Phòng
Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng với nhiều nội dung đột phá về quản lý cũng như mức độ phân quyền.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng.
Để Hải Phòng bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng, phát huy tốt vai trò đầu tàu của vùng đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dự thảo nghị quyết đề xuất thí điểm thực hiện sáu nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể.
Các chính sách tập trung về quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu thương mại tự do tại thành phố.

Hải Phòng chuẩn bị đón nhận nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù riêng để phát triển xứng tầm. Ảnh: Hoàng Anh
Đáng chú ý, dự thảo đề cập tới nội dung trao quyền mạnh mẽ cho địa phương, quy định ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng mới có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, hiện thẩm quyền này của Thủ tướng Chính phủ.
Tán thành việc phân cấp cho thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, cơ quan thẩm tra đồng thời cũng đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.
Trong khi đó, Nghị quyết 35/2021 của Quốc hội phân quyền cho địa phương với cơ chế, chính sách về quản lý quy hoạch – đã giúp Hải Phòng (tính đến cuối năm vừa qua) chủ động thúc đẩy thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực cùng phát triển.
Điển hình, với hiệu quả từ Nghị quyết 35/2021, Hải Phòng đã tháo gỡ nút thắt quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ khoảng 1.400ha đất công nghiệp thuộc phạm vi ba khu công nghiệp.
Hàng loạt dự án muốn phát triển kinh doanh tại địa phương như Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), LX International (Hàn Quốc), ORPC, Tập đoàn Pegatron với việc di dời Trung tâm R&D lớn nhất từ Trung Quốc về khu công nghiệp DEEP C2A.
Liên quan đến quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nêu trong dự thảo mới nhất, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định “trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng” để bảo đảm thống nhất với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Đặc biệt, về thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng, cơ quan thẩm tra cho rằng đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cần làm rõ tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế.
Như vậy, đề xuất về thành lập khu thương mại tự do thế hệ mới để tạo động lực phát triển thành phố Hải Phòng khi tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 35/2021 của Quốc hội đã được cụ thể hóa trong dự thảo nghị quyết mới nhất.
Đồng thời, đòi hỏi bức thiết về việc trình Quốc hội cho phép TP. Hải Phòng nghiên cứu, tham khảo một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua của Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác để xây dựng nghị quyết mới về một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, mang tính đột phá nhất là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được nhanh chóng cụ thể hóa chỉ sau chưa đầy 6 tháng.
Những kết quả từ thực hiện Nghị quyết 35/2021
Theo tổng kết của Chính phủ, việc triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết số 35/2021/QH15 trong ba năm qua còn chậm.
Điển hình, tính đến tháng 11/2024, mức dư nợ của TP. Hải Phòng nếu tính theo dự toán Quốc hội giao chỉ khoảng 26% mức dư nợ cho phép, thực tế Thành phố không thực hiện vay được hết hạn mức (không thực hiện được việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, chỉ thực hiện vay lại từ nguồn Chính phủ đi vay để thực hiện các dự án).
Như vậy, thành phố chưa tận dụng được lợi thế đặc thù về mức dư nợ vay hàng năm theo quy định, phần nào hạn chế nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một phần nguyên nhân là tình hình thực tế tại địa phương và mức khung lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ thấp so với lãi suất huy động của một số ngân hàng (chênh lệch 2-3% so với lãi suất huy động của Vietcombank, Vietinbank, Techcombank cùng thời kỳ) nên không hấp dẫn các tổ chức tài chính, tín dụng.
Do vậy, thành phố Hải Phòng dừng việc phát hành để đảm bảo an toàn tài chính, hạn chế rủi ro trong việc huy động và trả nợ.
Trên cơ sở Nghị quyết 35/2021, Thủ tướng ban hành quyết định – theo đó, HĐND thành phố Hải Phòng được ủy quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha trên địa bàn.