Cần cụ thể hơn về chính sách đãi ngộ cho giảng viên đại học
Một số ý kiến cho rằng có những điều luật về chính sách đãi ngộ cho giảng viên đại học hiện nay chỉ dừng lại ở mức định hướng nên không đủ cụ thể để áp dụng vào thực tế.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học (ĐH) năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2018. Trong đó, vấn đề về chính sách đãi ngộ cho giảng viên đại học được đề cập trong Luật Giáo dục đại học (ĐH) nhận được ý kiến góp ý từ một số giảng viên.
Lương không đáp ứng đủ mức sống
Thạc sĩ Trần Linh Huân, Giảng viên Khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM đã nêu ra một số vấn đề cần xem xét, sửa đổi trong Luật Giáo dục ĐH.
Thứ nhất, vấn đề tiền lương và chế độ phụ cấp cho giảng viên đại học. Thạc sĩ Huân cho rằng giảng viên ở cơ sở công lập được xác định là viên chức nên nếu tính theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ, tiền lương của giảng viên sẽ từ 5.475.000 đồng đến 18.720.000 đồng/tháng.
“Mức lương này vẫn còn thấp, thậm chí là không đáp ứng đủ mức sống. Bởi để đạt trình độ tối thiểu của giảng viên ĐH là thạc sĩ, người học phải trải qua quá trình dài học tập, nghiên cứu và phải bỏ ra chi phí đáng kể. Hơn nữa, ngoài giảng dạy, họ còn phải thực hiện các công trình nghiên cứu” – Thạc sĩ Huân chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Huân, đây cũng là lý do chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt giảng viên đại học, khó tuyển dụng hoặc tình trạng giảng viên chuyển sang công tác tại các trường ĐH tư nhân.
Một bất cập khác được Thạc sĩ Huân nêu ra trong Luật Giáo dục ĐH là giảng viên công tác những ngành nghề đặc thù hoặc ở vùng đặc biệt khó khăn thì ngoài lương, chỉ được hỗ trợ thêm chỗ ở và phụ cấp khác. Điều này không hợp lý vì giảng viên ở vùng này là những người phải cực kỳ có tâm, yêu nghề nên họ cần được ưu tiên hơn.
Hơn nữa, Luật Giáo dục ĐH sử dụng những cụm “được tạo điều kiện về chỗ ở”, “được tạo điều kiện để an tâm công tác” đối với giảng viên ở vùng khó khăn nhưng rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện các chính sách này.
“Đây thực sự là thiếu sót lớn khiến cho luật chỉ nằm trên giấy mà không thể đi vào cuộc sống. Vì vậy, các nhà lập pháp cần nghiên cứu và sửa đổi theo hướng quy định hoặc hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên” – Thạc sĩ Huân góp ý.
Từ đây, Thạc sĩ Huân đề xuất cần cân nhắc điều chỉnh chế độ tiền theo hướng lương của giảng viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, kể cả với giảng viên tuyển dụng, xếp lương lần đầu cần được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc chung.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất giảng viên đại học công tác ở nơi đặc biệt khó khăn và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các giảng viên khác.
Cần cụ thể hóa chính sách thu hút giảng viên
Theo Thạc sĩ Huân, trong Luật Giáo dục ĐH chỉ nêu chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục ĐH với nội dung: “Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong cơ sở giáo dục ĐH”.
Tuy vậy, chưa có quy định nào cụ thể hóa vấn đề trên. Do đó, Thạc sĩ Huân gợi ý pháp luật phải xác định đối tượng được hưởng chính sách thu hút, từ sinh viên xuất sắc đến những người trình độ cao...
Thông qua chính sách ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu, nhóm giảng viên của Tiến sĩ Đặng Thái Cường, Khoa Luật Dân sự, Quản lý Viện Luật So sánh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng đã đề xuất một số nội dung về chính sách đãi ngộ đối với giảng viên ĐH tại Việt Nam.
Trong đó, bên cạnh đề xuất cần xây dựng hệ thống lương thưởng linh hoạt dựa trên năng lực và thành tích cá nhân, nhóm nghiên cứu cũng gợi ý Việt Nam cần củng cố hệ thống phúc lợi toàn diện cho giảng viên. Trong đó, nên mở rộng các chương trình hỗ trợ sức khỏe, bảo hiểm gia đình và phụ cấp sinh hoạt.
Ngoài ra, để thu hút giảng viên có trình độ cao, luật cần bổ sung quy định về các chính sách hỗ trợ nhà ở, trợ cấp chi phí sinh hoạt và các phúc lợi khác, đặc biệt là đối với giảng viên giỏi và giảng viên trẻ.
Ngoài ra, Việt Nam nên xây dựng hệ thống bổ nhiệm lâu dài (Tenure Track) hoặc có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho giảng viên trẻ. Cụ thể là thiết lập chi tiết các tiêu chí về thành tích nghiên cứu, giảng dạy và đóng góp cộng đồng để giảng viên trẻ có thể phấn đấu và nhìn thấy rõ cơ hội thăng tiến.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng giảng viên ĐH trên cả nước mỗi năm đều tăng. Trong đó, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm nhiều nhất, như ở năm 2024 có hơn 53.000 thạc sĩ, kế đến là tiến sĩ với hơn 23.000.
Quy mô đội ngũ giảng viên đại học trong 3 năm qua. Nguồn: Bộ GD&ĐT