Minh bạch bản chất dòng tiền từ thanh toán không tiền mặt

Năm 2024 đánh dấu sự thăng hoa của thanh toán không tiền mặt với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 61 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với 2023. Điểm nhấn đặc biệt là thanh toán VietQR ngày càng lấn át các hình thức thanh toán khác nhờ hội tụ đủ các yếu tố tiện lợi, an toàn; qua đó còn hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý về thuế, minh bạch dòng tiền, chống tham nhũng, rửa tiền...

Năm 2024, giao dịch bằng mã VietQR tăng 118% so với 2023.

Năm 2024, giao dịch bằng mã VietQR tăng 118% so với 2023.

Những ngày cận Tết Nguyên đán ở các năm trước, cảnh từng đoàn người xếp hàng ở các cây ATM cạnh khu công nghiệp, điểm giao dịch ngân hàng để rút tiền mặt; tình trạng kẹt máy, đường dây “call center” ở các ngân hàng nghẽn mạng luôn là câu chuyện ồn ào.

Giao dịch rút tiền mặt tại các cây ATM không chỉ gây phiền toái cho người dân mà ngân hàng cũng phải chấp nhận tốn kém chi phí đầu tư máy móc, chi phí tiếp quỹ, trong khi thường xuyên đối mặt rủi ro do kẻ gian phá trụ ATM, cài chip đọc mật khẩu thẻ. Thậm chí mục tiêu thanh toán phi tiền mặt cũng không đạt bởi ATM không hơn két sắt đựng tiền.

THANH TOÁN VietQR LÊN NGÔI

Chỉ trong một thời gian ngắn, thanh toán không tiền mặt qua nhiều kênh khác nhau từ các tổ chức lớn là ngân hàng và một số fintech đã thay đổi diện mạo thanh toán trong nền kinh tế.

Năm 2024, dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247 tăng trưởng ấn tượng với hơn 8,9 tỷ giao dịch, tăng hơn 33% so với năm 2023; tổng giá trị giao dịch đạt hơn 59 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15%. Một điểm nhấn đáng chú ý là phương thức chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã VietQR tiếp tục tăng vượt trội, số lượng giao dịch bằng mã VietQR chiếm hơn 1/3 tổng số lượng giao dịch dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247, tăng tương ứng 118% so với năm 2023.

Đại diện NAPAS cho biết trong tháng cao điểm cuối năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý trên 10 triệu giao dịch qua mã VietQR mỗi ngày. Xu hướng chuyển khoản bằng mã VietQR cho thấy sự phát triển phổ biến, tiện lợi, minh bạch, cho phép người dùng thỏa mãn trải nghiệm, từ đó tác động và làm giảm tốc độ tăng trưởng thanh toán trên POS.

Một yếu tố đảm bảo cho hệ thống thông suốt trong năm qua là NAPAS triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý, đảm bảo an ninh, an toàn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch.

Theo đại diện NAPAS, trong thời điểm số lượng giao dịch tăng mạnh, hệ thống của doanh nghiệp này đã xử lý tới 34 triệu giao dịch/ngày, chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) của hệ thống NAPAS trong năm 2024 đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính và chuyển tiền vượt mức độ cam kết và đạt 99,997%.

Bên cạnh việc đảm bảo hệ thống thông suốt, liên tục, năm 2024, NAPAS cũng phối hợp với các đơn vị thành viên cập nhật các Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng giải pháp công nghệ. Cùng với đó, phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an xây dựng quy trình phối hợp xử lý các tài khoản, thẻ có dấu hiệu gian lận, giả mạo để lừa đảo. Nhờ đó, các đơn vị thành viên đã nâng cao khả năng giám sát, vận hành, bảo mật, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán điện tử.

HƯỚNG TỚI MINH BẠCH DÒNG TIỀN VỚI VietQR

Với tốc độ thanh toán không tiền mặt như hiện nay, tỷ lệ giao dịch tiền mặt (M2) đã giảm xuống dưới 10%, đó là một thành công lớn. Tuy nhiên, trong tổng giá trị giao dịch đạt hơn 61 triệu tỷ đồng, khoản nào là cho vay, thanh toán hàng hóa mua sắm dịch vụ hay trả nợ cá nhân... thì không phải đã tường minh 100%.

Nói đơn giản, một khách hàng A mua một cốc cà phê ở cửa hàng B giá 30 nghìn đồng, trên hóa đơn chuyển tiền trả của A không phải bao giờ cũng được ghi rõ ràng là “trả tiền 30 nghìn đồng/1 cốc cà phê”. Giả định cửa hàng B mỗi tháng bán được một nghìn cốc cà phê thì ngành thuế làm thế nào để có thể tính thuế một cách chuẩn xác khi mà tiền khách hàng trả được chuyển vào tài khoản cá nhân hoặc không ghi rõ tiền nào là “trả cà phê”, tiền nào là cho, tặng, trả nợ?

Mở rộng hơn, ngành thuế có thể nào lần từng con số trong 61 triệu tỷ đồng để thu thuế một cách chính xác? Cơ quan chức năng làm thế nào để biết chắc việc tài trợ khủng bố, rửa tiền, tham nhũng... trong dòng tiền bất tận đang chu chuyển hàng ngày trong nền kinh tế?

"Chuyện cho nhau tiền là bình thường nhưng chuyện bán một nghìn bát phở hay cốc cà phê thì cũng phải rõ ràng để còn thực hiện nghĩa vụ thuế".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chia sẻ: “Đây là vấn đề nan giải. Vừa rồi ngành thuế đã phát triển hóa đơn điện tử khởi tạo tại máy tính của người bán hàng như là cây xăng, cửa hàng dịch vụ, tuy nhiên vẫn chưa thể bao phủ hết mọi luồng tiền trong nền kinh tế”.

Theo ông Hùng, việc này Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy. Hiện tại NAPAS cũng mong muốn việc phát triển hệ thống thanh toán không tiền mặt phải phân định rõ đâu là chuyển tiền, đâu là thanh toán.

Chuyên gia công nghệ ngân hàng cho rằng việc chuyển khoản hay thanh toán thì đều hướng tới mục đích đẩy dòng tiền chu chuyển nhanh hơn và giảm tỷ lệ tiền mặt xuống và đó là trách nhiệm công việc của ngành ngân hàng. Còn việc phân biệt bản chất dòng tiền giữa “chuyển tiền” và “thanh toán” là việc của cơ quan ban ngành liên quan phải phối hợp với ngành ngân hàng để giải quyết. Dù vậy, hiện tại khi phát triển VietQR, NAPAS đã thiết kế nhiều trường thông tin chi tiết và chỉ dùng cho mục đích thương mại.

Theo đó, khi các merchant sử dụng công cụ VietQR, bắt buộc phải khai báo các trường thông tin chi tiết để thể hiện rõ bản chất “thanh toán” của dòng tiền. Nhờ đó, phân biệt rõ giao dịch “chuyển khoản” sẽ không thể hiện việc gắn giữa tiền và hàng; còn khi giao dịch VietQR, sẽ thể hiện rõ giao dịch giữa tiền và hàng.

Như vậy, so với giao dịch chuyển tiền bằng mã VietQR như hiện nay, giao dịch thanh toán thông qua quét mã VietQR Pay sẽ cho phép hiển thị đầy đủ các thông tin của đơn vị bán hàng, thông tin hàng hóa, dịch vụ, nhờ đó thông tin về giao dịch mua hàng được minh bạch và rõ ràng hơn. Trong trường hợp hoàn, hủy hoặc khiếu nại liên quan đến đơn hàng, các đơn vị bán hàng sẽ có thể dễ dàng tra soát giao dịch, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình mua bán

Bên cạnh đó, lợi ích mà VietQR Pay mang lại cho các đơn vị bán hàng còn là việc hỗ trợ quản lý tài chính, thống kê doanh thu,... không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các đơn vị.

Về phía khách hàng, ưu điểm của dịch vụ thanh toán VietQR là cho phép người dùng có thể linh hoạt lựa chọn nguồn tiền thanh toán. Khi quét mã VietQR để thanh toán trên ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng, khách hàng có thể lựa chọn đa dạng nguồn tiền thanh toán như thẻ ghi nợ/tín dụng, tài khoản, ví điện tử. Những tính năng này đem lại nhiều lợi ích cho các khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa như hiện nay.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2025 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nguyễn Hoài

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/minh-bach-ban-chat-dong-tien-tu-thanh-toan-khong-tien-mat.htm
Zalo