Cần bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chính sách đặc biệt trong xây dựng pháp luật
Qua rà soát danh mục các đối tượng được hỗ trợ tại Phụ lục I kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Quốc hội cho rằng, chế độ, chính sách này đã bỏ sót một số nhóm đối tượng…

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 16/5. Ảnh: VPQH cung cấp.
Ngày 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH nhất trí cho rằng, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là công tác có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, từ khâu hoạch định chính sách, soạn thảo văn bản cho đến tổ chức thi hành đang gặp không ít khó khăn.
Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu cơ chế chủ động về tài chính, nhân sự; không có đủ điều kiện đãi ngộ xứng đáng cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật; việc thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức giỏi còn bị bó hẹp trong khuôn khổ cứng nhắc; ứng dụng công nghệ vào quy trình xây dựng pháp luật còn chậm so với yêu cầu đổi mới…
Dự thảo đã bỏ sót một số nhóm đối tượng?
Phát biểu thảo luận, góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận, góp ý tại phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Góp ý hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu Việt Nga cho rằng, khoản 1 Điều 7 của Dự thảo Nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật đã thể hiện sự ghi nhận và quan tâm xứng đáng tới đội ngũ làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, khi quy định mức hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho một số đối tượng trực tiếp, thường xuyên làm công tác này.
Tuy nhiên, qua rà soát danh mục các đối tượng được hỗ trợ tại Phụ lục I kèm theo dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, chế độ, chính sách này đã bỏ sót một số nhóm đối tượng.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và đội ngũ công chức tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là bộ phận trực tiếp phục vụ các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
“Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu, hỗ trợ cho đại biểu, Đoàn ĐBQH từ nghiên cứu, tổng hợp thông tin, góp ý xây dựng chính sách đến hỗ trợ giám sát việc thi hành pháp luật ở cơ sở” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cũng thể hiện sự quan tâm tới chế độ chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật tại địa phương.

Đại biểu Tô Ái Vang phát biểu thảo luận, góp ý tại phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Đại biểu cho biết, theo quyết định của văn phòng Quốc hội về việc điều động công chức và lao động hợp đồng, thì hầu như đoàn ĐBQH của các tỉnh, thành đều bị giảm biên chế so với trước đây khoảng 50%. Do vậy, công chức phục vụ công tác Quốc hội rất ít, thậm chí quá ít so với yêu cầu và tính chất tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH và ĐBQH, khiến công sức làm việc của họ gần như tăng lên gấp đôi.
Trong khi hằng năm, Văn phòng Quốc hội chỉ cấp kinh phí hoạt động và phụ cấp cho đại biểu chuyên trách và ĐBQH trong đoàn theo quy định. Còn công chức phục vụ công tác quốc hội, người trực tiếp và thường xuyên tham mưu, lại không được cấp kinh phí này vì Nghị quyết 1004 quy định phân cấp quản lý do sáp nhập chung về Văn phòng quốc hội, HĐND tỉnh, thành phố.
“Với trách nhiệm là ĐBQH chuyên trách, là người gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, tôi cùng các ĐBQH ở các địa phương kiến nghị bổ sung thêm 2 đối tượng nêu trên được hưởng chế độ, chính sách”, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị.
Các băn khoăn của đại biểu là hoàn toàn hợp lý
Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định, bên cạnh các mặt tích cực, cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn không ít hạn chế, bất cập và muốn để khắc phục những hạn chế, bất cập này, phải có con người làm công tác xây dựng pháp luật có chất lượng cao, chuyên nghiệp; có quy trình và công nghệ xây dựng luật hiện đại, khả thi, hiệu quả và có các điều kiện bảo đảm thuận lợi và tương xứng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH cung cấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có lẽ đây là lần đầu tiên mà 1 nghị quyết của Đảng quy định khá cụ thể về các mức hỗ trợ cho người làm công tác xây dựng pháp luật cũng như một số cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
“Chúng tôi suy nghĩ rằng, đây không phải là những con số cụ thể về kinh phí ngân sách, chế độ mà là sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt với tư duy đổi mới, với cách tiếp cận đột phá và tầm nhìn chiến lược về tầm quan trọng của công tác hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật với tính chất đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế phát triển, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước…” – Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chính vì cách tiếp cận như vậy, trước hết cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, các băn khoăn của đại biểu là hoàn toàn hợp lý.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Về nguyên tắc áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt, vượt trội, các đại biểu đều khẳng định là cần phải đúng đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị và việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội phải gắn với việc nâng cao chất lượng của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cùng với quyền lợi là phải đồng thời gắn với trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng để không được lạm dụng và trục lợi chính sách. Về ý này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, cơ quan soạn thảo hoàn toàn đồng tình, sẽ bổ sung vào những nguyên tắc và những nội dung cụ thể…
“Qua ý kiến phát biểu của đại biểu, chúng tôi thấy tiếp thu được rất nhiều” – Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định.