Cần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân
Theo các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, việc điều chỉnh thuế lần này cần được thiết kế với lộ trình hợp lý, bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và hỗ trợ phục hồi sản xuất, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Chiều 22/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt".
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn mở, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia chính sách và các doanh nghiệp liên quan để cùng chia sẻ những khó khăn thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể và khả thi.
Nội dung hội thảo tập trung vào phân tích sâu rộng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, những rào cản hiện nay và giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp trực tiếp đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025.
Động lực chính sách cho tăng trưởng bền vững

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế-xã hội quý I/2025 của nước ta tiếp tục duy trì xu hướng tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 6,93% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I các năm 2020-2025, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Có thể nói, đây là thành quả ban đầu của những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị trong triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần trong nền kinh tế phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, đồng chí Lê Quốc Minh cũng cho rằng, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mục tiêu phấn đấu như kịch bản điều hành đã được Chính phủ điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới của đất nước, hướng tới khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.
Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác. Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Các đại biểu dự hội thảo.
Ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19, thể hiện ở số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động có những thời điểm tăng cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo càng trở nên thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách.
“Đây cũng là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đồng chí cho biết, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025, với mục tiêu quan định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.
Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất, lộ trình tăng thuế…, những nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến phân phối, dịch vụ.
Đặc biệt, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành bia-rượu vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.
Cân nhắc lộ trình tăng thuế hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã trình bày các tham luận, thảo luận về các giải pháp cân đối giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách với việc hỗ trợ doanh nghiệp. Các đề xuất cụ thể như điều chỉnh thuế suất một cách hợp lý theo lộ trình phù hợp nhằm tránh gây sốc cho thị trường và người tiêu dùng cũng đã được đưa ra.

Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, kinh tế thế giới hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức; trong nước, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm và sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn; trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cao ở mức tối thiểu 8% để tạo tiền đề cho tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tới.
Bàn về đóng góp của ngành đồ uống, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho biết ngành đồ uống đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm (riêng thuế tiêu thụ đặc biệt là trên 40 nghìn tỷ đồng/năm). Trong năm 2021-2023, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 giảm 10% so năm trước); thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm.
Với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế, Trưởng Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam cho rằng, việc thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia trong thời gian tới cần “hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân, mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế, Trưởng Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng, nhưng nếu thiết kế không hợp lý sẽ gây tác dụng ngược, khiến thị trường đồ uống chính ngạch suy giảm, làm gia tăng hàng lậu, hàng trôi nổi và thất thu ngân sách. Tăng thuế có thể đem lại hiệu quả ngân sách trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại có nguy cơ làm giảm sản lượng, giảm giá trị tăng thêm, kéo theo giảm thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tổng hòa lợi ích giảm sút.
Bàn về hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phụng chia sẻ chính sách này được hoàn thiện sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến kích cầu tiêu dùng nội địa, đối với cả người tiêu dùng trong nước và khách du lịch thông qua việc góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Lê Duy Bình bày tỏ, chính sách cần được ưu tiên hơn trong giai đoạn này, đó là tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Ông cũng lưu ý, một lộ trình tăng thuế hợp lý, về cả mức thuế và thời gian áp dụng sẽ giúp hài hòa được việc đạt được mục tiêu của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu bia như Ban Soạn thảo đề ra, đồng thời sẽ giúp "khoan thư" sức doanh nghiệp, hỗ trợ để hồi phục và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong năm nay và những năm tới.

Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế VCCI.
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép do biến động kinh tế toàn cầu, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng như rượu, bia cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, lộ trình tăng thuế nên được thiết kế hợp lý, vừa phải, không gây sốc cho thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng.
Đối với mặt hàng bia, VCCI đề xuất tăng thuế từ năm 2028, theo hướng mỗi 2 năm tăng 5% cho đến năm 2030. Tuy nhiên, bà Thủy cũng nêu rõ, cần lưu ý rằng việc tăng thuế chưa chắc đạt được mục tiêu điều chỉnh hành vi tiêu dùng nếu thiếu các bằng chứng khoa học xác đáng. Thậm chí, điều này có thể làm gia tăng tiêu thụ hàng lậu, hàng không chính thống, gây rủi ro cho sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài. Do đó, chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội.
Theo Ông Cấn Văn Lực, trong bối cảnh hiện nay, cần tính toán lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp và thị trường. Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần hướng tới nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cần lộ trình hợp lý, kiểm soát hiệu quả để tránh hệ lụy ngược chiều

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn nhiều biến động, căng thẳng thương mại gia tăng và mức độ bất định ngày càng cao, ngành đồ uống cũng chịu áp tác động nặng nề thông qua chi phí đầu vào gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và áp lực logistics ngày càng lớn.
Trong khi đó, sức mua trong nước đang có dấu hiệu suy giảm dẫn đến buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt trong các lĩnh vực mang tính nhạy cảm như đồ uống, du lịch và bán lẻ.
Tái khẳng định cam kết ủng hộ mục tiêu của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ghi nhận vai trò định hướng hành vi tiêu dùng mà thuế tiêu thụ đặc biệt mang lại, ông Phúc cũng cho rằng: "Nếu không đi kèm với các biện pháp kiểm soát thị trường hiệu quả, việc tăng thuế đơn thuần sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí có thể tạo ra những hệ lụy ngược chiều".
Chia sẻ thực tế, ông Phúc cho biết, thị phần bia không chính thống đang gia tăng nhanh chóng - đặc biệt tại các khu vực nông thôn, nơi người dân có thu nhập thấp và nhạy cảm với giá cả.
Dẫn số liệu từ Nielsen, ông Phúc thông tin, năm 2024, phân khúc này chiếm tới 11% tại đồng bằng sông Cửu Long. Những sản phẩm này không chỉ rẻ hơn 25-35% so với bia chính thống mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm và gây thất thu ngân sách.
Theo đại diện Heineken Việt Nam, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng cho thấy, đa số người tiêu dùng không giảm tiêu thụ mà chuyển sang các sản phẩm giá rẻ, không được kiểm soát. Nếu không có các biện pháp đồng bộ, việc tăng thuế có thể phản tác dụng - vừa làm suy giảm hiệu quả chính sách y tế, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và việc làm trong nước.
Từ đó, đại diện Heineken Việt Nam kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng, lùi thời điểm xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sang năm 2027 nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng với các biến động bên ngoài, ổn định hoạt động sản xuất-kinh doanh, đồng thời giúp cơ quan soạn thảo có thêm thời gian xem xét lại tình hình, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Phúc cũng kiến nghị, tùy theo tình hình thực tế vào thời điểm năm 2027, Ban soạn thảo có thể đề xuất phương án tăng thuế ở mức phù hợp như ngành đã đề xuất để vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, vừa hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc SATRACO.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc SATRACO (Thành viên Ban Điều hành Sabeco) cho rằng, trong trường hợp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia “tăng sốc” như đề nghị của Bộ Tài chính sẽ là “một đòn đánh rất mạnh” vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Sản xuất của doanh nghiệp sẽ suy giảm rất nhanh, kéo theo ảnh hưởng tới tất cả các ngành phục vụ cho ngành bia; đồng thời ảnh hưởng tới ngân sách đóng góp cho các địa phương. Trong bối cảnh này, Sabeco kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội cân nhắc điều chỉnh mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế theo đề nghị của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), cụ thể là theo Phương án 1 của Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng giãn hiệu lực thực hiện đến năm 2028 thay vì năm 2026 như hiện nay”, đại diện Sabeco đề xuất.
Trong khi đó, ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (HABECO) bày tỏ sự đồng thuận với những ý kiến về việc giãn và giảm tăng sốc thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời cho rằng, thời hạn ấn định năm 2028 vẫn còn khá sớm. Đại diện HABECO cho rằng, chỉ nên áp dụng tăng thuế khi doanh nghiệp thực sự tăng lợi nhuận.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Đại diện Carlsberg Việt Nam, ông Bùi Hữu Quang nêu quan điểm: Các doanh nghiệp như Carlsberg đã, đang gắn kết lâu dài với Việt Nam và muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên Carlsberg Việt Nam cho rằng ngoài luật về thuế, ngành bia, rượu, nước giải khát còn chịu ảnh hưởng của nhiều luật khác như Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn, các quy định về mức cồn tối thiểu.
Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách mới đây, trong đó coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Vì vậy theo ông Quang, sẽ cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân trong nước có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất đồ uống như rượu, bia.
Các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam, trong đó có Carlsberg Việt Nam, đều ủng hộ mục tiêu của Chính phủ, nhưng đề xuất một lộ trình điều chỉnh thuế ở mức độ vừa phải và theo từng giai đoạn. Carlsberg Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác, đối thoại với các cơ quan hoạch định chính sách, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành bia và kinh tế Việt Nam.