Cần hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chí phân loại xanh
Thị trường tài chính xanh tại nước ta đã hình thành và phát triển với ba cấu phần chính: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh; tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn do chưa có danh mục phân loại xanh, khiến tổ chức tín dụng thiếu căn cứ để lựa chọn, thẩm định và cấp tín dụng xanh; do đó, rất cần hoàn thiện khung pháp lý về tín dụng xanh và xây dựng tiêu chí phân loại xanh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường NGUYỄN PHƯƠNG TUẤN:
Không cần thiết xây dựng luật riêng cho chuyển đổi xanh
Về thể chế cho thực hiện chuyển đổi xanh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là đạo luật gốc. Bên cạnh đó, còn có một số luật liên quan khác như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Lâm nghiệp, Luật Tài nguyên nước… Hiện nay, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn
Qua lắng nghe các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, và từ thực tế theo dõi, tôi nhận thấy không nhất thiết phải xây dựng một đạo luật riêng điều chỉnh chuyên biệt cho chuyển đổi xanh. Bởi hệ thống pháp luật hiện hành đã bao quát và điều chỉnh đến từng khía cạnh trong công tác này. Điều cần thiết hiện nay là Chính phủ cần tập trung rà soát, nghiên cứu để sửa đổi đồng bộ các luật liên quan như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… nhằm nâng cao hiệu quả thực thi.
Qua quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng, tôi tiếp nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp phản ánh vướng mắc chủ yếu nằm ở các văn bản hướng dẫn chi tiết, chứ không phải ở luật. Việc xây dựng và ban hành danh mục phân loại xanh cũng đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cách đây hai năm.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam BÙI QUANG TUẤN:
Thu hút tư nhân tham gia chuyển đổi xanh
Để thực hiện thành công chuyển đổi xanh, cần nguồn vốn rất lớn, do nhiều lĩnh vực đan xen nhau, đòi hỏi trình độ công nghệ nhất định, chưa kể chi phí thay thế công nghệ hiện có là rất tốn kém. Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đã khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực tài chính đáng kể để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn
Trong bối cảnh đó, việc chỉ dựa vào nguồn vốn Nhà nước là không đủ; hiện nay, vốn đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm khoảng 20 - 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, phần lớn còn lại đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, cần coi trọng vai trò của khu vực tư nhân và chủ động xây dựng các cơ chế để thu hút khu vực này tham gia sâu rộng vào tiến trình chuyển đổi xanh. Theo tôi, cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP). Đồng thời, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế giải ngân các nguồn vốn quốc tế, tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.
Một điểm nghẽn lớn hiện nay là chúng ta vẫn chưa có danh mục phân loại xanh, khiến các ngân hàng và doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định đâu là dự án đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng xanh. Mặc dù thị trường đã hình thành các kênh như cổ phiếu xanh, tín dụng xanh và trái phiếu xanh, nhưng thiếu hụt tiêu chí rõ ràng khiến việc xác định dự án xanh chưa thống nhất. Do đó, rất cần hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chí phân loại xanh để doanh nghiệp có cơ sở chứng minh dự án của mình đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh - vốn đang được khuyến khích với nhiều chính sách ưu đãi.
Đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam STUART LIVESEY
Ưu tiên đầu tư và đưa điện sạch đến các nhà máy
Qua theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư tại Việt Nam, tôi nhận thấy rằng, dù chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn, Việt Nam đã có những bước chuyển biến lớn trong tiến trình chuyển đổi xanh. Chính phủ cũng đã chủ động tối đa hóa việc tận dụng các nguồn lực sẵn có, cũng như tích cực tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế nhằm thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam Stuart Livesey
Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh đạt hiệu quả thực chất và bền vững, cần có hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch; đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế bảo đảm chắc chắn để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm triển khai các hoạt động phù hợp với định hướng phát triển xanh; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện và đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các tuyến truyền tải, nhằm vận chuyển điện sạch đến các nhà máy sản xuất.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cần chú trọng xử lý rác thải, giảm phát thải trong quá trình sản xuất, đặc biệt là khi cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp châu Âu. Doanh nghiệp cũng nên phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thu thập và công bố các chứng chỉ chất lượng để khẳng định uy tín hàng hóa, đồng thời bảo đảm sử dụng nguồn năng lượng xanh trong chuỗi sản xuất.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình chuyển đổi xanh; chất lượng sản phẩm, hàng hóa không ngừng được cải thiện và từng bước đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu lớn, khó tính. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không nên tự mãn với những thành tích hiện tại. Trong thời gian tới, cần chủ động triển khai sản xuất theo các chuẩn mực quốc tế và áp dụng các bộ thực hành sản xuất tốt (GMP, ESG…) để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam NGUYỄN THANH SƠN:
Xây dựng và thiết lập khung chính sách tài chính xanh tích hợp
Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, Chính phủ cần xây dựng và thiết lập khung chính sách tài chính xanh tích hợp. Khung chính sách này cần bao gồm các công cụ như tín dụng, tái cấp vốn, chính sách tài khóa và tài chính dành cho khu vực tư nhân, ngân hàng và tài chính xanh… nhằm phân luồng dòng vốn một cách phù hợp, đầy đủ và hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn
Các bộ, ngành cần nghiên cứu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với các dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng có căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời hỗ trợ về đất đai, xúc tiến thương mại, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Cần đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, nhất là trong các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động thực hành quản trị xanh, hướng tới tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và có tác động tích cực đến xã hội. Doanh nghiệp cũng cần tích cực tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ các định chế tài chính trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược xanh hóa hoạt động kinh doanh; đổi mới công nghệ; tăng cường trách nhiệm xã hội… Những nỗ lực này không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của toàn xã hội.