Hành trang kiểm toán viên nhà nước: Tự hào và trách nhiệm
Hòa chung không khí tưng bừng đón Xuân Ất Tỵ 2025, Kiểm toán nhà nước (KTNN) trên hành trình cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới với quyết tâm khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Qua chia sẻ của các Kiểm toán viên (KTV) nhà nước, trên hành trình mới, KTNN phải đối diện với nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của từng KTV để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
KTV Vũ Tiến Vượng (KTNN chuyên ngành V):
Kịp thời phát hiện và ngăn chặn gian lận
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/d6e03ef7feb817e64ea9.jpg)
Công việc của KTV nhà nước không chỉ giới hạn trong việc kiểm tra, xác nhận các hoạt động tài chính mà còn đánh giá hiệu quả và hiệu lực của các chương trình, dự án. Khi những đường dây tải điện được hoàn thành, những tuyến đường cao tốc đưa vào sử dụng, những nhà máy công nghiệp hiện đại vận hành khai thác, những chuyến tàu lăn bánh trên đường ray, đường băng… hòa vào niềm vui chung của xã hội, KTV cũng cảm thấy tự hào về nghề nghiệp, về những đóng góp của KTNN giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dự án, công trình, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Cùng với niềm tự hào về nghề nghiệp, KTV cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Gian lận và tham nhũng trong các dự án xây dựng là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình, lãng phí nguồn lực và làm mất lòng tin của công chúng, đó cũng là áp lực đối với KTV vì họ cần phát hiện và ngăn chặn. Trong mỗi cuộc kiểm toán, họ thường đối diện với một lượng hồ sơ rất lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư, các hành vi gian lận ngày càng tinh vi hoặc đã được khép kín hồ sơ để hợp thức hóa...
Để vượt qua những thách thức trên và duy trì chất lượng, hiệu quả công việc cũng như đảm bảo tính độc lập, khách quan, KTV luôn phải luyện rèn bản lĩnh và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, như: Trung thực, công bằng và liêm chính. Họ cũng luôn phải cập nhật và nắm vững kiến thức về pháp luật, về công nghệ; cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, họ cũng cần sự cảm thông và chia sẻ từ những người thân đối với những đợt công tác xa nhà.
Đón mùa xuân mới, xác định nhiệm vụ “An toàn, chất lượng và hiệu quả”, KTV càng thêm quyết tâm, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến cho xã hội trở thành động lực mạnh mẽ để họ tiếp tục bước đi trên con đường đã chọn.
KTV Đặng Vũ Quí Đắc (KTNN chuyên ngành III):
Tạo dựng niềm tin với đơn vị được kiểm toán
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/9da74fb08fff66a13fee.jpg)
Thời gian qua, Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước luôn quán triệt, triển khai các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Là một KTV trẻ, song tôi nhận thức rõ những yêu cầu và kỳ vọng của Lãnh đạo Ngành trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ cũng như nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Để đáp ứng được yêu cầu này, bản thân tôi sẽ chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ.
Điều quan trọng hơn hết, theo yêu cầu của Lãnh đạo KTNN, đó là mỗi KTV cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc nghiêm túc, ứng xử chuẩn mực. Bởi điều này sẽ tạo dựng niềm tin đối với các cơ quan, tổ chức được kiểm toán. Bằng cách duy trì những phẩm chất và hành động trên, KTV trẻ sẽ sớm khẳng định mình, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Lãnh đạo KTNN kỳ vọng.
KTV Nguyễn Minh Tân (KTNN chuyên ngành Ib):
Hiện thực hóa giấc mơ trở thành KTV nhà nước
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/a9456d52ad1d44431d0c.jpg)
Năm 2020, khi lần đầu tiên được tham gia cuộc kiểm toán ngân sách địa phương cùng KTNN khu vực I, tôi khá yên tâm với kinh nghiệm 16 năm làm kế toán của mình vì nghĩ nghề kế toán và kiểm toán có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng khi đi theo đoàn kiểm toán, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm. Tôi nhận thấy áp lực đối với một KTV rất nặng nề. Không chỉ khối lượng công việc lớn và bị hạn chế về mặt thời gian, mà còn có những khó khăn khác như cường độ di chuyển nhiều, xa gia đình dài ngày... đặc biệt đối với những KTV là nữ. Tôi nhớ thời gian đó, trong đầu luôn có một câu hỏi lặp đi lặp lại: “Liệu mình có bắt nhịp được với công việc này? Mình có đủ dũng cảm để chuyển ngạch KTV không?” Với sự hỗ trợ của anh chị em trong Đoàn, Tổ, tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của cuộc kiểm toán đầu tiên này.
Những khó khăn đó cũng dần được khắc phục trong các cuộc kiểm toán tiếp theo. Công việc kiểm toán đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều, ngoài phát triển kiến thức chuyên môn còn được rèn luyện những kỹ năng xã hội giúp bản thân ngày càng tiến bộ, qua đó hun đúc thêm trong tôi tình yêu với nghề. Để rồi, trong tôi luôn nung nấu ước mơ được cống hiến với vai trò là một KTV KTNN. Để thực hiện được điều đó, tôi đã học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức và chính thức thi đậu kỳ thi chuyển ngạch KTV chính trong năm 2023.
Năm 2024 là năm đánh dấu sự thay đổi trong sự nghiệp khi tôi được Lãnh đạo KTNN ký quyết định luân chuyển về KTNN chuyên ngành Ib sau 13 năm công tác tại Phòng Kế toán, Văn phòng KTNN. Ở vị trí công tác mới, dù được các đồng nghiệp dìu dắt, chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, nhưng bản thân không khỏi hồi hộp, băn khoăn làm thế nào để tiếp cận công việc một cách nhanh và có hiệu quả nhất?
Năm 2025 là một năm đặc biệt - lần đầu tiên, tôi có tên trong kế hoạch tham gia kiểm toán với vai trò là một KTV KTNN. Khó khăn còn ở phía trước, tôi luôn xác định sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn, chủ động nhiều hơn trong mọi việc, với tâm niệm “Hãy cứ cố gắng lên, rồi mình sẽ làm được thôi!”.
KTV Nguyễn Lê Anh Minh (KTNN khu vực V):
Trung thực, minh bạch là nền tảng của nghề kiểm toán
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/501097075748be16e759.jpg)
Sau khi tốt nghiệp, tôi may mắn trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng công chức của KTNN. Tôi nhớ mãi lần đi công tác đến huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), cách đất liền khoảng một giờ đi tàu. Lúc đó là vào tháng 7, mưa gió suốt nhiều ngày liền, nhưng để đảm bảo tiến độ công việc, Tổ kiểm toán vẫn quyết tâm lên đường. Ngoài trách nhiệm với công việc, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ được giao, tôi còn được thôi thúc bởi hình ảnh nhiều công chức, viên chức công tác ngoài đảo không quản ngại khó khăn, vất vả để ngày ngày di chuyển từ đất liền ra đảo… Tất cả những trải nghiệm đó đã bồi đắp nên những ấn tượng khó quên về nghề KTV nhà nước.
Bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, công việc kiểm toán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cám dỗ. Để vượt qua những trở ngại này, trên hết mỗi KTV phải giữ cho bản thân sự tỉnh táo, thận trọng trước mọi vấn đề, đặc biệt là trước khi đưa ra đánh giá kiểm toán. Bởi, mỗi ý kiến kiểm toán đều có tác động nhất định đến đơn vị được kiểm toán, cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với KTNN. Sự trung thực và minh bạch là nền tảng của nghề kiểm toán. Do đó, trong công việc, tôi luôn đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân và cam kết thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
KTV Nguyễn Thị Trang Nhung (KTNN chuyên ngành VII):
Nỗ lực để trở thành một kiểm toán viên “nghệ tinh tâm sáng”
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/f1493a5efa11134f4a00.jpg)
Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh lần đầu tiên tôi đến KTNN nhận nhiệm vụ và được phân công về KTNN chuyên ngành VII trong tâm trạng rụt rè, bỡ ngỡ nhưng cũng đầy tâm huyết cho một hành trình mới. Những năm đầu mới vào Ngành, tôi được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo từ trình độ cơ bản, kiến thức chuyên môn kiểm toán và thi chứng chỉ KTV nhà nước.
KTV là một nghề khó, nhiều cám dỗ, đòi hỏi mỗi cá nhân cần có lập trường vững vàng, có chuyên môn sâu, đồng thời có khả năng xử lý tình huống đảm bảo đúng quy định nhưng vẫn khéo léo, đạt hiệu quả công việc.
Từ những bước đi đầu tiên, trải qua quá trình không ngừng nỗ lực học tập, đến nay, bản thân tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn và tự hào khi trở thành KTV nhà nước. Đặc biệt, trong Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập KTNN, được xem thước phim “30 năm vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”, tôi hiểu rằng, KTNN đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động, KTNN đã lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định được vai trò, vị trí trong nước, cũng như trong cộng đồng kiểm toán quốc tế.
Tôi tự hứa lòng mình sẽ quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để trở thành người công chức ngành kiểm toán “nghệ tinh tâm sáng”, tận tụy với công việc, mẫu mực trong lời nói và hành động. Tôi nguyện góp một phần công sức nhỏ bé để viết tiếp bản hùng ca KTNN tự hào, góp sức xây dựng đất nước mạnh giàu với một khát khao Việt Nam tỏa sáng trong kỷ nguyên mới.
KTV Nguyễn Hữu Quý (KTNN khu vực IV):
Tự hào được chia sẻ về KTNN Việt Nam với đồng nghiệp quốc tế
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/8f8d419a81d5688b31c4.jpg)
Chuyến đi tham dự chương trình Lãnh đạo trẻ do Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) tổ chức tại Kigali, Rwanda không chỉ là một trải nghiệm học tập chuyên môn, mà còn là một hành trình vượt qua những thử thách để trưởng thành hơn rất nhiều trong cuộc sống.
Qua chương trình, tôi được học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu, những bài giảng không chỉ lý thuyết mà còn rất thực tiễn. Đặc biệt, phần lớn chương trình tập trung vào việc phát triển trí tuệ cảm xúc (EI) - điều trước đây tôi chưa từng được tiếp cận một cách bài bản. Những buổi workshop về nhận biết và kiểm soát cảm xúc, về ứng dụng EI trong lãnh đạo đã giúp tôi học được cách lắng nghe tích cực, thấu hiểu cảm xúc của người khác, cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và giải quyết xung đột một cách hiệu quả.
Việc được làm việc nhóm, chia sẻ kinh nghiệm với các KTV trẻ đến từ nhiều quốc gia là một trải nghiệm vô cùng quý báu. Chúng tôi học hỏi lẫn nhau về phương pháp hoạt động của các SAI. Sự đa dạng về văn hóa, bối cảnh đã mở rộng tầm nhìn, giúp tôi nhận ra rằng, dù khác biệt về hệ thống, nhưng mục tiêu chung của tất cả các SAI vẫn hướng đến sự minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý tài chính công. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, chương trình còn giúp tôi rèn luyện kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo…
Trong suốt chuyến đi, tôi đặc biệt tự hào khi nhận được sự quý mến từ các giảng viên và đồng nghiệp quốc tế. Tôi đã có cơ hội chia sẻ về những thành tựu và kinh nghiệm của KTNN Việt Nam, về những cải cách và hiện đại hóa trong Ngành - niềm tự hào đối với những thành quả mà KTNN đã đạt được trong suốt 30 năm hình thành và phát triển.
KTV Đậu Thị Thu Hằng (KTNN khu vực IX):
Giữ vững đạo đức nghề nghiệp giúp giảm thiểu rủi ro trong kiểm toán
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/4cec83fb43b4aaeaf3a5.jpg)
Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi - mỗi KTV phải luôn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Mỗi nhiệm vụ kiểm toán không chỉ là công việc chuyên môn mà còn là nghĩa vụ lớn lao đối với cộng đồng và xã hội. Sự tự hào về nghề, về ngành KTNN chính là động lực mạnh mẽ để tôi vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, KTV phải duy trì lòng trung thực, kiên định với các giá trị đạo đức nghề nghiệp. Đối mặt với áp lực từ nhiều phía, việc giữ vững đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán sẽ giúp KTV không bị chi phối bởi những cám dỗ vật chất hay các yếu tố khác. Sự công tâm, khách quan trong công việc và luôn tuân thủ pháp luật là yếu tố quyết định giúp KTV đưa ra kết luận đúng đắn, trung thực, bảo vệ uy tín của bản thân và cơ quan KTNN.
Bên cạnh đó, mỗi KTV cần không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ. Trong đó, học hỏi từ đồng nghiệp; tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các KTV sẽ giúp KTV trẻ nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giải quyết tình huống. Bên cạnh đó, để tạo động lực cho KTV, cơ quan KTNN cần tiếp tục động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác… Với lòng yêu nghề, trách nhiệm với cộng đồng, sự kiên định trong lập trường, đạo đức nghề nghiệp trong sáng sẽ giúp KTV giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kiểm toán.
KTV Tô Tuấn Anh (KTNN chuyên ngành III):
Hợp tác quốc tế là cơ hội tốt để chia sẻ và phát triển nghề nghiệp kiểm toán
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_624_51353095/849f3188f1c7189941d6.jpg)
Là thành viên của Nhóm Công tác về kiểm toán các lĩnh vực mới được Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập với nhiệm vụ chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và tiếp thu, phổ biến, áp dụng kiến thức, kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn hoạt động của Ngành, tôi may mắn được làm việc với nhiều đồng nghiệp đến từ các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới và tham gia vào nhiều hội thảo quốc tế, nhất là tham gia cuộc kiểm toán quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cuộc kiểm toán về thích ứng với biến đổi khí hậu...
Trong bối cảnh các mô hình, phương pháp kiểm toán ngày càng phát triển và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, tôi nhận thấy việc hợp tác đào tạo, chia sẻ kiến thức không chỉ giúp KTV tiếp cận với các phương pháp kiểm toán hiện đại mà còn mang lại cơ hội trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, có góc nhìn toàn diện hơn về kiểm toán và những ý tưởng, giải pháp có thể áp dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, khi được tham gia cuộc kiểm toán quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, tôi được đào tạo, chia sẻ các ý tưởng, giải pháp, từ đó học hỏi những phương pháp kiểm toán mới đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia, tìm được câu trả lời cho những khó khăn, thách thức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán.
Bản thân tôi nhận thức rõ rằng, công việc của KTV không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá các hoạt động tài chính mà còn là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng niềm tin của xã hội vào hệ thống tài chính công. Hợp tác quốc tế chính là một cơ hội tuyệt vời để tôi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và không ngừng phát triển nghề nghiệp, chung tay xây dựng một hệ thống tài chính công minh bạch, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.