Caesar tự tăng tiền chuộc khi bị cướp biển bắt cóc
Cậu cảm thấy bị sỉ nhục trước khoản tiền chuộc đề xuất chỉ hai mươi ta-lăng nên tự nâng giá cho cái đầu mình lên năm mươi ta-lăng (khoảng 300.000 xu bạc).
Không lâu sau, một tin vui xuất hiện trong gia đình Caesar khi vợ cậu, Cornelia, hạ sinh bé gái đầu lòng, tên là Julia. Caesar là một người cha tận tụy, nhưng cậu cũng là một người vô cùng tham vọng, cậu hiểu rằng việc thoát khỏi những khu ổ chuột tại Subura phụ thuộc vào danh tiếng nhà hùng biện và thời gian cậu chiến đấu trong quân ngũ cho nhà nước Cộng hòa La Mã.
Do đó, gần như ngay sau khi Julia chào đời thì Caesar một lần nữa rời thành Rome tới hòn đào Rhodes học tập với Apollonius, một nhà quý tộc Hy Lạp và cũng là thầy của Cicero. Ngay ngoài bờ biển tây nam của Tiểu Á tại Biển Aegean, Rhodes nổi tiếng là một trung tâm giáo dục đại học. Sinh viên ở đó có thể tham gia các bài diễn thuyết của một số tên tuổi vĩ đại nhất của nền triết học và khoa học Hy Lạp, bao gồm Apollonius và triết gia người Stoic, Posidonius.

Gặp cướp biển là một giai thoại lưu truyền về tướng huyền thoại Caesar. Ảnh: Medium.
Chúng ta không có ghi chép nào cho rằng Caesar từng học hay thậm chí là từng gặp gỡ Posidonius, nhưng chắc chắn cậu hẳn đã đọc các tác phẩm của vị triết gia này, như cuốn History (Lịch sử), nay đã bị thất lạc, của ông. Trong cuốn sách này, Posidonius đã mô tả những chuyến đi của ông giữa các vùng Celt ở Tây Âu. Ông mô tả chi tiết các hoạt động chính trị vùng Gaul, các chiến binh, các vị vua, những vị thần và các tu sĩ người Celt cổ - một kiến thức đóng vai trò tối quan trọng đối với Caesar khi cậu xâm lược Gaul hai mươi năm sau đó.
Nhưng Caesar không bao giờ tới được Rhodes. Năm 75 trước Công Nguyên, đúng vào thời điểm đầu đông, con thuyền của cậu bị hải tặc Cilicia tấn công đâu đó ngoài bờ biển tây nam của Tiểu Á gần Miletus. Bên cạnh mẻ hàng hóa như thường lệ và số hành khách chắc chắn sẽ là món hàng trên thị trường nô lệ, lũ hải tặc còn phấn khích vô cùng khi phát hiện chúng đã tóm được một thành viên của tầng lớp quý tộc La Mã.
Cướp biển đã trở thành vấn đề trên Địa Trung Hải kể từ khi Homer viết về nó trong thiên sử thi Odyssey, nhưng chẳng ai tìm ra được biện pháp khả dĩ nào để kiểm soát nạn cướp bóc trên biển. Một thành phố có thể quét sạch lũ cướp biển khỏi vùng biển địa phương mình bằng nỗ lực phối hợp, nhưng những kẻ tấn công chỉ việc đi xuôi bờ biển và lập một căn cứ khác. Chừng nào lũ cướp biển có thể kiểm soát con vịnh nhỏ kín đáo nào đó tránh xa các khu định cư thì chúng có thể tấn công thuyền bè mà không sợ bị trừng phạt.
Caesar đối đãi với lũ cướp biển với vẻ khinh thường của một người đôn hậu, khiến những kẻ bắt giữ cậu bị sốc và thích thú. Chúng đã quen với những tên tù nhân khiếp sợ cầu xin chúng tha mạng, nhưng Caesar hành xử như thể bọn chúng chỉ là sự phân tâm nhỏ nhoi trong kế hoạch bận rộn của mình.
Cậu cảm thấy bị sỉ nhục trước khoản tiền chuộc đề xuất chỉ hai mươi ta-lăng nên tự nâng giá cho cái đầu mình lên năm mươi ta-lăng (khoảng 300.000 xu bạc). Caesar để vài thành viên trong đoàn du ngoạn của mình đến Miletus bằng cách nào đó xoay được tiền, trong khi một người bạn đồng hành và hai nô lệ ở lại với cậu.
Trong vòng bốn mươi ngày, Caesar sống như một tù nhân của lũ cướp biển, cùng ăn chung với chúng và thậm chí còn tham gia các trò chơi thể thao của chúng. Cậu sáng tác thơ cho chúng đọc và gọi chúng là lũ mọi rợ thô lỗ khi chúng không thể thấm nổi những vần thơ của cậu. Cậu ra lệnh cho chúng và sai một nô lệ bắt chúng phải im lặng khi chúng liên tục khiến cậu phải thức dậy giữa đêm. Cậu cũng cứ đùa suốt rằng mình sẽ quay về và đóng đinh chúng lên thập giá một khi được thả ra.
Lũ cướp biển yêu quý vị khách trẻ tuổi gan dạ này và tỏ vẻ buồn bã phải thả cậu ra khi con thuyền chở theo tiền chuộc của cậu quay về từ Miletus. Cười vang và vẫy tay, Caesar chào tạm biệt những ông chủ nhà hải tặc của mình.
Caesar sớm tới được Miletus, tại đó cậu chỉ huy vài con thuyền địa phương và lực lượng dân quân giương buồm quay lại căn cứ của lũ cướp biển gần như ngay lập tức. Cậu khiến chúng kinh ngạc trong khi chúng vẫn đang còn trên thuyền, nhanh như cắt cậu ra lệnh bắt giữ cả bọn. Caesar tịch thu tất cả của cải chúng cướp được, kể cả năm mươi ta-lăng cậu vừa phải trả.
Sau đó, toàn bộ lũ cướp biển bị trói bằng dây xích đưa lên các thuyền đi tới thành phố gần đó ở Pergamum để tìm kiếm tay tỉnh trưởng La Mã, Marcus Juncus. Phát hiện ra tên tỉnh trưởng đang ở tại Bithynia, Caesar tống giam bọn chúng rồi đi xin giấy phép chính thức từ Juncus để trừng phạt những kẻ đã bắt giữ mình trước đó. Juncus có nghe nói về báo cáo của Caesar nhưng quyết định bán lũ cướp biển làm nô lệ rồi đút túi riêng khoản lợi nhuận.
Việc này không khiến Caesar thấy hài lòng chút nào. Cậu rời khỏi Bithynia rồi lao về Pergamum trước khi các đại diện của tỉnh trưởng kịp đến gom hết các tù nhân của cậu. Đúng như những gì cậu đã cảnh báo sẽ làm khi còn đang bị bắt, Caesar dẫn đám cướp biển ra khỏi xà lim và đóng đinh cả bọn lên thập giá.