Cà Mau: Xuất khẩu tôm tăng vượt chỉ tiêu nhờ các FTA

Theo Sở Công Thương Cà Mau, năm 2024, xuất khẩu tôm của tỉnh tăng trưởng vượt kế hoạch nhờ nhu cầu của thị trường và các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 1 tỷ USD

Xuất khẩu tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm qua đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu và chi phí vận tải tăng đột biến. Tuy nhiên, tại Cà Mau - địa phương có thế mạnh về xuất khẩu tôm, ngành này vẫn đạt được những kết quả vượt kế hoạch đề ra.

Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau hơn 1,1 tỷ USD, tăng 5,86% so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch đặt ra. Trong đó, xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng chủ yếu, khoảng 80%.

Các Hiệp định thương mại tự do giúp xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan. Ảnh minh họa

Các Hiệp định thương mại tự do giúp xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan. Ảnh minh họa

Theo Sở Công thương Cà Mau, tăng trưởng xuất khẩu tôm năm qua nhờ vào sự cải thiện tích cực nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,…. Xu hướng tiêu dùng thế giới cũng chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm thủy sản thay vì thịt gia súc, gia cầm truyền thống. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã mang lại lợi thế đáng kể, đặc biệt về thuế quan.

Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 647.000 tấn, tăng 2% so năm 2023. Trong đó, sản lượng tôm ước đạt 252.000 tấn, tăng 4,5% so năm 2023.

Hiện tỉnh Cà Mau đang phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, chuyển đổi mạnh từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến.

Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho thấy, trong năm 2024, sản lượng tôm khai thác đạt 10.000 tấn. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 188.000 ha. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.025,53 ha, tăng 5,21% so với cùng kỳ và đạt 96,64% kế hoạch. Các loại hình nuôi tôm khác như tôm-rừng đạt diện tích 20.907 ha, tôm-lúa 987 ha và nuôi tôm hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam đạt 250 ha.

Ngoài ra, ngành sản xuất tôm giống cũng có những bước tiến khi số lượng tôm giống kiểm dịch xuất bán tăng đáng kể, đạt gần 958,997 triệu con, tăng 291,182 triệu con so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó, nguồn cung tôm giống chất lượng cao đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Dù đạt điều nhiều kết quả tích cực nhưng ngành tôm Cà Mau cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, bên cạnh vấn đề chi phí logistics đã được các chuyên gia đầu ngành đánh giá là một trong những thách thức lớn cho xuất khẩu thời gian tới, thì cũng còn nhiều vấn đề nội tại trong sản xuất và chế biến tôm của tỉnh cần khắc phục, như: Hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng còn thiếu và không đồng bộ; chất lượng giống còn thấp; công nghiệp chế biến tuy có cải tiến nhưng còn thấp so với một số nước; sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn phát thải thấp là xu thế nhưng trong ngành tôm mới chỉ ở sơ khai.

Mục tiêu 1,65 tỷ USD trong năm 2025

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, tỉnh sở hữu hơn 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 25 6km đường bờ biển. Với đa dạng các mô hình nuôi trồng như thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến, kết hợp tôm - lúa, tôm - rừng, Cà Mau hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nuôi trồng tôm lớn nhất cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nuôi tôm theo công nghệ tiên tiến ở Cà Mau. Ảnh: Camau.gov.vn

Nuôi tôm theo công nghệ tiên tiến ở Cà Mau. Ảnh: Camau.gov.vn

Ngày 24/5/2024, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1026/QĐ-UBND phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, đến năm 2030 khoảng 1,65 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Cà Mau chú trọng tổ chức sản xuất theo các mô hình nuôi trồng phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng phát triển hệ thống cung ứng giống chất lượng cao, nâng cao năng lực chế biến hiện đại và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cơ cấu sản phẩm chế biến thủy sản sẽ chuyển đổi theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng lên 75-80%, giảm tỷ lệ các sản phẩm sơ chế xuống dưới 20-25%.

Cà Mau cũng đặt mục tiêu duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, đồng thời mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác. Đến năm 2030, dự kiến cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản sẽ bao gồm 17% vào EU, 20% vào Nhật Bản, 20% vào Mỹ và 43% vào Trung Quốc cùng các thị trường khác.

Song song đó, Cà Mau cũng xây dựng khu phức hợp thủy sản là đô thị thủy sản kiểu mẫu, nơi có thể cung cấp nhà ở cho cán bộ, chuyên gia, người lao động làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản; khu tái định cư cho người dân cần di dời để xây dựng vùng nuôi tôm siêu thâm canh; trung tâm kiểm định con giống chất lượng cao; trung tâm dịch vụ logistics, sàn giao dịch trong nước và quốc tế về thủy sản.

Cà Mau đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để phát triển ngành tôm theo hướng bền vững và tăng giá trị xuất khẩu. Với việc áp dụng các mô hình nuôi trồng hiện đại, cải thiện chất lượng con giống, và mở rộng các thị trường tiềm năng, tỉnh đã đạt được những kết quả vượt kế hoạch trong năm 2024. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 1,65 tỷ USD vào năm 2030, ngành tôm Cà Mau cần tiếp tục khắc phục những hạn chế trong hạ tầng, nâng cao năng lực chế biến và thúc đẩy sản xuất xanh, tuần hoàn.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ca-mau-xuat-khau-tom-tang-vuot-chi-tieu-nho-cac-fta-369063.html
Zalo