BÁO XUÂN 2025: Bước lên chuyến tàu vươn mình cùng đất nước

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu 'tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững'. Điều đó được khẳng định hơn nữa khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 'Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050' vạch ra lộ trình đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh 'phát triển khá toàn diện' của cả nước vào năm 2030 trong 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt'.

Giai đoạn tới Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh chế biến bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm

Giai đoạn tới Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh chế biến bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm

Để thực hiện mục tiêu trên, Lâm Đồng đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm các định hướng phát triển cốt lõi: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp hướng đến ngành Nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng TP Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Đồng thời phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, có giá trị gia tăng cao và an toàn về môi trường.

HÌNH THÀNH VÙNG SẢN XUẤT TẬP TRUNG QUY MÔ LỚN

Những năm gần đây, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao. Qua đó, tập trung đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng thông minh. Đặc biệt, xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Lâm Đồng đã và đang thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển nông nghiệp; xây dựng và phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và thị trường, xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh đã chuyển mình mạnh mẽ và đạt 69.637 ha, chiếm 21,2% diện tích canh tác, tăng 4,1% sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng số diện tích gieo trồng 417.240 ha canh tác toàn tỉnh. Trong đó bao gồm 600 ha ứng dụng công nghệ thông minh, 150.00 ha sản xuất an toàn và 2.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 1.045 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa.

Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực tiếp tục được quan tâm, mở rộng, đến nay, Lâm Đồng đã phát triển được 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết, quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897 ha với sản lượng đạt 589.261 ha. Bên cạnh đó, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông... và hơn 240 sản phẩm OCOP đạt chất lượng, được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 500 hợp tác xã nông nghiệp với tỷ lệ 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đạt doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên. Lâm Đồng cũng đã hình thành, công nhận được 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

ƯU TIÊN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN

Từ thực tiễn phát triển đến tầm nhìn chiến lược phát triển công nghiệp của Lâm Đồng có thể nhận diện sự lựa chọn của Lâm Đồng về đầu tư phát triển công nghiệp “có chọn lọc” và ưu tiên công nghiệp chế biến, gắn với tiềm năng, vùng nguyên liệu sẵn có của Lâm Đồng.

Vì vậy, hiện tại cũng như lâu dài, Lâm Đồng sẽ “Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm” đã được hình thành từ chủ trương, chính sách đến việc thực hiện các bản kế hoạch trong các năm qua. Song song đó, thu hút đầu tư vào hai khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn 85,1%, Phú Hội 75,8%, còn tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp 56%. Hiện đang thu hút 117 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 7.615 tỷ đồng và hơn 140 triệu USD. Cùng đó, Lâm Đồng cũng triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, gia tăng giá trị nông sản.

Theo UBND tỉnh, năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) toàn tỉnh đạt 28.110,6 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Và theo ước tính, trong giai đoạn 2021 - 2025, bình quân giá trị ngành Công nghiệp Lâm Đồng tăng 11,5 - 12%; trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 65%, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện chiếm 28% trong cơ cấu ngành Công nghiệp.

ÐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Du lịch Lâm Đồng từng bước “định vị” là trung tâm du lịch trong nước và khu vực, mang tầm quốc tế. Để hiện thực hóa điều đó, Lâm Đồng luôn xác định phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh và thật sự trở thành ngành kinh tế động lực nhằm thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Lâm Đồng đã và đang thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển loại hình du lịch xanh được xem là chìa khóa phát triển du lịch bền vững, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên, bảo vệ môi trường và góp phần giữ gìn và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống bản địa.

Trong thời gian qua, du lịch Lâm Đồng đã từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng đều qua các năm và chỉ tính riêng năm 2024, tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú đạt 7.600 nghìn lượt khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 600 nghìn lượt khách tăng 50% so với cùng kỳ.

Từ sự phát trển du lịch, kéo theo thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, đó là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 90.900 tỷ đồng, tăng 23,3% trong năm 2024. Những kết quả đạt được cũng như lộ trình phát triển du lịch Lâm Đồng trong thời gian tới phần nào định hình rõ nét cho quá trình phát triển xanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch mà Lâm Đồng và thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CÙNG CẢ NƯỚC

Định hướng phát triển Lâm Đồng trong thời gian tới: Phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên và vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Tây Nguyên để phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm.

Do đó, ngay trong năm 2025, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và cũng là năm tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đánh dấu sự khởi đầu của “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Theo đó, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng từ 9 - 10%; trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng từ 5,2 - 5,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 13,5 - 14,5%; khu vực dịch vụ tăng từ 10,5 - 11,5%. GRDP bình quân đầu người từ 115 - 117 triệu đồng/người vào cuối năm 2025.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202501/bao-xuan-2025-buoc-len-chuyen-tau-vuon-minh-cung-dat-nuoc-df60610/
Zalo