Khởi nghiệp khi còn là sinh viên, 8x Nghệ An có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng

'Cứ chiều thứ Sáu, tôi bắt xe khách về quê, lên rừng tìm tre trúc về làm. Thấy vậy, nhiều người nói rằng, học không lo mà học, cứ sáo với kèn, chả đâu vào đâu cả. Nghĩ lại, nếu mình không cứng rắn trước những lời chê bai đó thì không được như bây giờ'.

Khởi nghiệp từ tiếng sáo của cha

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Mão (SN 1987) về hành trình khởi nghiệp của mình với cây sáo trúc. Anh cho biết, niềm đam mê sáo trúc của anh bắt đầu từ tiếng sáo của cha từ khi còn rất nhỏ. Nhờ đó, anh đã có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại quê nhà với mức lương từ 8-15 triệu đồng/tháng.

Với niềm đam mê thổi sáo, anh Mão đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khi còn là sinh viên.

“Cha tôi là người biết thổi sáo nên ngày nhỏ, nghe tiếng sáo tôi mê lắm, cũng nhờ cha dạy thổi sáo và làm sáo cho chơi. Lên cấp 2, tôi nhớ có một ông bán sáo ở cổng trường, tôi mê mẩn đi theo và cố mua bằng được một cây để chơi. Lên cấp 3 thì tìm mua sáo ở hiệu sách”, anh Mão kể.

Lớn lên, sau khi thi đỗ và theo học ở một trường Đại học tại Nghệ An, thấy bạn bè đi học ở Hà Nội hết, lại muốn khám phá vùng đất mới, anh Mão quyết tâm thi lại vào năm sau.

Hành trang của anh Mão trên mọi nẻo đường là cây sáo trúc dắt đằng sau balo hay cặp sách.

Ra Hà Nội, với niềm đam mê sáo trúc, anh vẫn giữ thói quen thổi sáo. Với nỗi nhớ nhà của chàng trai miền Trung giàu tình cảm, tiếng sáo của anh ngày càng trở nên hay và lay động lòng người. Anh bắt đầu quay lại các video thổi sáo của mình đăng lên mạng xã hội và làm các video dạy cách thổi sáo cho những người lần đầu tiên tiếp xúc với cây sáo trúc.

Không những thế, anh còn đi khắp các công viên và trường đại học để dạy thổi sáo miễn phí. Đồng thời, thành lập ra các câu lạc bộ về sáo trúc với hàng trăm nghìn thành viên, cùng nhau chia sẻ niềm đam mê sáo trúc.

Ít ai ngờ rằng, chỉ với đam mê thổi sáo, chàng trai này đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và có nguồn thu nhập ổn định.

Từ các video đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người hỏi anh địa chỉ mua những cây sáo anh đang thổi. Thấy vậy, anh liền tự tìm nguyên liệu rồi làm sáo để tặng những người mình yêu quý.

“Thời gian đó tôi làm sáo mang đi tặng suốt. Dần dần, anh bạn cùng phòng tôi mới bảo, hiệu sách họ bán 100-150 nghìn đồng/cây sáo tốt thì mình cũng nên bán lấy 50 nghìn đồng/cây để lấy tiền nguyên liệu, tiền công và tiền mua dao, đục. Thế là tôi làm sáo để bán vào năm thứ 2 đại học”, anh Mão nói.

Từ chỗ vài ngày mới bán được một cây sáo, dần dần, sáo của anh làm đến đâu cũng được mua hết đến đó, làm không kịp bán.

Cửa hàng bán sáo trúc của anh Mão tại Hà Nội thu hút một lượng khách hàng lớn là học sinh, sinh viên có niềm đam mê nhạc cụ dân tộc.

Và những lời dị nghị của người ngoài

Vì sáo làm đến đâu bán hết đến đó nên hàng tuần, chiều thứ Sáu là anh Mão lại bắt xe khách về quê, lên rừng tìm nguyên liệu để làm sáo, mang ra Hà Nội bán. Nhiều người không hiểu, buông lời chê bai không ngớt.

“Họ bảo, xưa nay chưa từng thấy ai sống được nhờ thổi sáo. Cơm còn chẳng đủ ăn, học không lo mà học cứ suốt ngày sáo với kèn, chả đâu mà đâu cả, coi chừng không ra trường được”, anh Mão kể.

Buổi đi học, buổi ở nhà làm sáo, cuối tuần anh Mão lại về quê tìm nguyên liệu làm sáo.

Bỏ qua những lời nói khó nghe đó, anh Mão vẫn quyết tâm buổi đi học, buổi về phòng trọ cặm cụi làm sáo để chia sẻ cho các bạn cùng đam mê. Thay vì phải xin tiền bố mẹ lấy kinh phí đi học và sinh hoạt ở Hà Nội, anh Mão đã tự trang trải được cuộc sống và có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Năm 2012, để sáo mình làm ra không bị lẫn với các loại sáo phổ thông khác, anh Mão đi đăng kí bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Năm 2013, anh mở cửa hàng bán sáo trúc đầu tiên tại Hà Nội và phát triển dần lên 25 cửa hàng vào năm 2017, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sinh viên xếp hàng dài chờ mua sáo trúc trước cửa hàng nhà anh Mão những năm trước.

Hiện tại, anh Mão sở hữu một xưởng sản xuất sáo trúc tại Nghệ An với 10 nhân công lao động với mức thu nhập từ 8-15 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, xưởng của anh có thể sản xuất ra từ 150-200 cây sáo trúc.

Ngoài ra, anh còn sở hữu chuỗi cửa hàng bán sáo trúc khắp cả nước. Sáo trúc của anh cũng có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới với giá từ 300 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/cây, tùy loại, mang về doanh thu từ 1,8-2 tỷ đồng/tháng.

Với doanh thu từ 1,8-2 tỷ đồng/tháng, anh Mão đã mang về thu nhập từ 500-700 triệu đồng.

Theo anh Mão, giữa những cánh rừng tre trúc bạt ngàn, để tìm được nguyên liệu chuẩn để làm sáo không dễ. Ngoài lấy nguyên liệu ở quê, anh còn đặt mua ở Bắc Ninh, Lâm Đồng.

Có được nguyên liệu tốt, quá trình làm cũng không hề đơn giản vì sáo là nhạc cụ được làm thủ công hoàn toàn. Những ngày đầu làm sáo, tre trúc thì cứng mà mũi dao thì sắc, để khoét những lỗ sáo nhỏ xíu không dễ, không ngày nào tay anh không chảy máu. Nhưng chính những khó khăn, vất vả và những lời chê bai ngày đó lại là động lực để anh cố gắng, nỗ lực và có được sự nghiệp như ngày hôm nay.

Hồng Cảnh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khoi-nghiep-khi-con-la-sinh-vien-8x-nghe-an-co-doanh-thu-hang-ty-dong-moi-nam-204252601035106713.htm
Zalo