Bức tranh đầu tư bất động sản thương mại ở châu Á vẫn tươi sáng

Đầu tư xuyên biên giới vào bất động sản thương mại (CRE) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quí 1-2025 tăng vọt gấp đôi, lên 9,5 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 116,7% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của của tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank.

Sự bứt phá này nổi bật giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và những bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Khu phức hợp đa chức năng Tokyo Garden Terrace Kioicho ở Tokyo. Trong quí vừa qua, quỹ đầu tư Blackstone của Mỹ đã mua lại tài sản này từ Seibu Holdings với giá 2,6 tỉ đô la. Ảnh: Nikkei Asia

Khu phức hợp đa chức năng Tokyo Garden Terrace Kioicho ở Tokyo. Trong quí vừa qua, quỹ đầu tư Blackstone của Mỹ đã mua lại tài sản này từ Seibu Holdings với giá 2,6 tỉ đô la. Ảnh: Nikkei Asia

Báo cáo của Knight Frank ghi nhận, tổng khối lượng giao dịch đầu tư CRE ở châu Á - Thái Bình Dương duy trì ổn định ở mức 33,4 tỉ đô la trong quí 1 giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà đầu tư quốc tế vẫn tích cực tham gia, với các giao dịch xuyên biên giới chiếm 28,4% tổng hoạt động đầu tư, tương đương 9,5 tỉ đô la, mức cao nhất kể từ quí 3-2023.

Khi nhà đầu tư đổ xô vào bất động sản văn phòng, công nghiệp và bán lẻ, những loại hình tài sản lại thu nhập ổn định và tiềm năng tăng trưởng dài hạn, điều kiện tài chính cải thiện và mức định giá rõ ràng hơn đang giúp khôi phục niềm tin tại các thị trường trọng điểm trong khu vực.

"Thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương đã trụ vững trong đầu năm 2025. Hoạt động đầu tư xuyên biên giới sôi động cho thấy sự quan tâm bền bỉ của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở các thị trường Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc. Giá bất động sản ổn định và tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh đang khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn trở lại”, Craig Shute, CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank chia sẻ.

Nhu cầu mạnh mẽ đối với các tài sản chất lượng cao được minh chứng qua thương vụ đình đám quỹ đầu tư Blackstone của Mỹ mua khu phức hợp đa chức năng Tokyo Garden Terrace Kioicho từ Seibu Holdings với giá 2,6 tỉ đô la. Đây là thương vụ mua lại bất động sản lớn nhất của một quỹ nước ngoài tại Nhật Bản và là giao dịch lớn nhất khu vực trong quí vừa qua.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đang trở thành những điểm sáng thu hút dòng vốn quốc tế.

Tại Nhật Bản, nhà đầu tư tận dụng các điều kiện thị trường thuận lợi gồm đồng yen mất giá, chi phí vay thấp và nền tảng thị trường ổn định. Lĩnh vực bất động sản văn phòng của Nhật Bản đặc biệt nổi bật với tỷ lệ lấp đầy gần như tối đa, được củng cố nhờ văn hóa làm việc tập trung tại văn phòng.

Chi phí xây dựng tăng cao ở Nhật Bản làm giảm nguồn cung bất động sản mới, tạo ra cân bằng cung cầu có lợi cho các chủ sở hữu hiện tại.

Bất động bán lẻ cũng thu hút sự chú ý lớn, tiêu biểu là thương vụ Gaw Capital (Hong Kong) và Patience Capital Group (Singapore) mua lại Tokyu Plaza Ginza tọa lạc ở khu mua sắm cao cấp của Tokyo với giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

Tại Hàn Quốc, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp tăng mạnh trong năm qua, nhờ lãi suất chấp nhận được, sức chống chịu tốt của lĩnh vực này và hoạt động cho thuê tích cực trong bối cảnh nguồn cung chất lượng cao bị hạn chế.

Tại Úc, bất động sản bán lẻ phục hồi mạnh mẽ, với khối lượng đầu tư tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 592 triệu đô la. Sự hồi sinh này phản ánh tâm lý kinh tế cải thiện khi lạm phát và lo ngại về lãi suất giảm bớt cùng với doanh số bán lẻ tăng trưởng.

Với 5,6 tỉ đô la giao dịch đầu tư đã được ghi nhận trong vài tuần đầu của quí 2-2025, báo cáo Knight Frank nhận định, thị trường CRE của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang cho thấy những tín hiệu đầy hứa hẹn về tăng trưởng bền vững.

Các đợt cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương trong khu vực làm tăng sức hấp dẫn của các thương vụ mua lại được tài trợ bằng nợ, trong khi giá bất động sản ổn định đã thúc đẩy hoạt động giao dịch sôi nổi hơn.

“Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ còn bứt phá nhưng chính sách thuế quan chập chờn của Mỹ đang làm mờ đi triển vọng phục hồi của bức tranh đầu tư”, Christine Li, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank nói.

Bà lo ngại, nếu thuế quan gây ra lạm phát kéo dài, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất, tạo áp lực lên lãi suất dài hạn, có thể làm giảm hoạt động của thị trường vốn trên toàn cầu.

Nếu thuế quan của Mỹ vẫn được triển khai ở mức cao, lĩnh vực bất động sản công nghiệp và bán lẻ ở châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chi tiêu tiêu dùng giảm và sự thay đổi trong luân chuyển hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu.

Dù đối mặt với những bất ổn kinh tế rộng lớn, bất động sản văn phòng ở châu Á vẫn duy trì sự ổn định đáng chú ý nhờ được bảo vệ bởi sự kết hợp giữa các yếu tố nội tại mạnh mẽ và chu kỳ thị trường tích cực.

Điều này đặc biệt rõ ràng tại các thành phố lớn của Nhật Bản và Úc, nơi các tòa tháp văn phòng có tỷ lệ lấp đầy cao cùng với quỹ đạo tăng trưởng tiền thuê ổn định, ngay cả khi các phân khúc bất động sản khác đối mặt với những thách thức tiềm tàng.

Theo Real Estate Asia

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/buc-tranh-dau-tu-bat-dong-san-thuong-mai-o-chau-a-van-tuoi-sang/
Zalo