Nhiều địa phương đạt kết quả cao về nông thôn mới nâng cao
Trong tháng 4-2025, các huyện Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu đều được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021-2025 thống nhất đánh giá đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao với 100% phiếu bầu đồng thuận.

Tuyến đường kiểu mẫu tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Đây đều là các huyện vùng xa, thuần nông, bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đều đạt chuẩn NTM nâng cao với nhiều kết quả ấn tượng.
Thêm 2 huyện được đánh giáđạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Huyện Vĩnh Cửu, vùng chiến khu xưa từng chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh với nhiều xã nghèo, đất đai cằn cỗi khi bắt tay vào xây dựng NTM. Năm 2017, Vĩnh Cửu được công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Đến nay, toàn bộ 9/9 xã của huyện Vĩnh Cửu đều đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí NTM tỉnh Đồng Nai đến năm 2025. Có 7/9 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Lũy kế đến nay, tỉnh có 114/116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Huyện đã đạt 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, kết quả nổi bật là hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động dân sinh. Toàn huyện có 43 cơ sở giáo dục công lập từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có 42/43 trường đạt chuẩn quốc gia.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, huyện tập trung xây dựng NTM nâng cao và rất quan tâm chăm lo cho cuộc sống nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, số hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chiếm tỷ lệ 76,9% là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Vĩnh Cửu. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 89 triệu đồng. Huyện xác định thời gian tới, tiếp tục thực hiện các chương trình sáng, xanh, sạch, đẹp, các tiêu chí về môi trường.
Cùng năm 2017, huyện Cẩm Mỹ đạt chuẩn huyện NTM. Phát huy thành quả đạt được, huyện vùng xa này tiếp tục đầu tư mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, huyện có 12/12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, có 4 xã NTM kiểu mẫu, thị trấn Long Giao đạt chuẩn đô thị văn minh. Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn huyện đối với kết quả xây dựng NTM nâng cao của huyện đạt 99,9%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện là 83 triệu đồng; giá trị bình quân trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 190 triệu đồng/hécta/năm; huyện không có hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Trung ương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định xét, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu tỉnh Đồng Nai NGUYỄN THỊ HOÀNG, thời gian tới, tỉnh không còn đơn vị cấp huyện, các xã sẽ sáp nhập nhưng vẫn tiếp tục khắc phục các hạn chế để hoàn thiện hơn các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, các địa phương tiếp tục thực hiện các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, khu dân cư kiểu mẫu, hoàn thiện các tiêu chí về môi trường.
Nhiều xã về đích nông thôn mới nâng cao
Từ đầu năm đến nay, 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Sông Trầu, Bắc Sơn, Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom); Phú Thịnh, Đak Lua, Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú); Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu); Bàu Cạn (huyện Long Thành). Kết quả này góp phần vào thành quả chung của tỉnh trong xây dựng NTM nâng cao. Toàn tỉnh có 114/116 xã NTM nâng cao, gần đạt 100% so với mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, đạt kết quả ấn tượng nhất là các xã vùng sâu của huyện miền núi Tân Phú gồm: Phú Thịnh, Đak Lua, Nam Cát Tiên. Đak Lua là một trong những xã miền núi thuộc vùng sâu, xa nhất của tỉnh Đồng Nai, được xem là vùng “rốn lũ” của huyện Tân Phú. Trước đây, việc đi lại từ trung tâm huyện và các xã khác sang xã Đak Lua rất khó khăn do phải qua đò, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trong xã. Nhờ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, góp phần mang lại diện mạo mới cho xã.
Đặc biệt, phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương này có nhiều khởi sắc. Trong đó, trồng dâu, nuôi tằm là một trong những nghề chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Xã hình thành được vùng chuyên canh trồng dâu, nuôi tằm quy mô lớn với hơn 250 hécta cùng sự tham gia của khoảng 300 hộ gia đình trồng dâu, nuôi tằm.
Theo ông Nguyễn Duy Đông, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tơ tằm Duy Đông, hợp tác xã đã đầu tư xưởng sản xuất tơ với hệ thống máy móc tự động, hiện đại để sản xuất tơ với sản lượng lớn, chất lượng cao. Nhờ đó, xưởng sản xuất tơ bao tiêu hết nguồn tơ tằm tại địa phương với giá tốt, ổn định. Ngoài ra, hợp tác xã đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại địa phương.
Là xã của huyện phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) có lợi thế thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2014, xã Hưng Thịnh đạt chuẩn NTM và hiện về đích NTM nâng cao. Xã đã thu hút nhiều nguồn lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiêu biểu như Công ty TNHH Dược liệu Tâm Tâm An đầu tư chế biến các sản phẩm từ dược liệu xáo tam phân, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi liên kết. Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của doanh nghiệp này đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Đến nay, xã Hưng Thịnh không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều theo chuẩn của Trung ương; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 88,7 triệu đồng.