Dừng sử dụng cán bộ không chuyên trách ở xã: Xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý
Các địa phương đang đề xuất các chính sách hỗ trợ cho khoảng 120.500 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã bị tinh giản do sắp xếp bộ máy; trong tháng 5, nghị định về chính sách hỗ trợ cũng sẽ được hoàn thành.
Tại cuộc họp cho ý kiến về tình hình, tiến độ thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp hôm 3-5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho hay sẽ kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước.
Giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó nêu rõ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố. Đồng thời, thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.
Sau đó, Bộ Nội vụ có Công văn 03 định hướng thực hiện một số nội dung nêu trên.

Theo yêu cầu của việc sắp xếp bộ máy, tới đây sẽ dừng sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Cần thông tin cụ thể về phương án sử dụng nhân sự
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Sử Ngọc Anh - Bí thư quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết khi bỏ cấp huyện, thực hiện theo công văn của Bộ Nội vụ, chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.
Ông Sử Ngọc Anh nói cần có hướng dẫn về phương án, nguyên tắc cụ thể để bố trí cán bộ khi chuyển toàn bộ cán bộ của quận về phường và thông tin rõ trong hệ thống. “Phải giải thích rõ ràng cho anh em ở dưới, tại sao lại bố trí như vậy, nguyên tắc như thế nào…” - ông Sử Ngọc Anh nói.
Bí thư quận Gò Vấp cũng nói theo yêu cầu thì xã, phường kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ 1-8. Như vậy, toàn quận Gò Vấp sẽ dôi dư 200 người hoạt động không chuyên trách, cộng với 250 cán bộ dôi dư khi sáp nhập phường thì tổng nhân sự cần quan tâm là 450. Từ đó, ông kiến nghị sớm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách.
Tại TP Thủ Đức, tính đến tháng 3-2025, có 620 người hoạt động không chuyên trách tại các phường. Địa phương này cũng kiến nghị UBND TP xem xét, có chế độ, chính sách hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường dôi dư sau khi sáp nhập phường.
Một lãnh đạo phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, cho biết phường có 20 người hoạt động không chuyên trách; hiện phường đang chờ các chủ trương về bố trí, sắp xếp cũng như chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng này.
Anh NQH đã có hơn 10 năm làm việc với vị trí là người hoạt động không chuyên trách trong lĩnh vực địa chính - xây dựng tại một phường trên địa bàn TP Thủ Đức. Anh H nói đã tiếp nhận thông tin về việc dừng sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
“Tôi cũng hơi lo lắng vì sẽ ảnh hưởng đến cả công việc và đời sống riêng nhưng chủ trương nhà nước thì mình chấp hành. Sau khi có quyết định nghỉ, tôi sẽ thử tìm việc ở môi trường bên ngoài nhà nước”- anh H nói và mong TP có phương án hỗ trợ, chuyển đổi công việc cho các đối tượng như anh trong thời gian đầu sau nghỉ việc.
Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã giao Đảng ủy UBND TP.HCM rà soát các chính sách của Trung ương, tham mưu chính sách riêng của TP để hỗ trợ thêm cho người hoạt động không chuyên trách, không trùng với các chính sách của Trung ương.
Về tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ cấp phường, xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM đã xây dựng dự thảo, đang lấy ý kiến và sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thống nhất để địa phương thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gợi mở phương án hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc theo số năm công tác. Cán bộ có số năm công tác bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu. Ảnh: QH
Đề xuất 3 phương án hỗ trợ
Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết TP hiện có 80 xã, phường, thị trấn, mỗi đơn vị trung bình có 12-14 người hoạt động không chuyên trách. TP Cần Thơ đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ, đồng thời địa phương cũng đang tính toán để đảm bảo trước ngày 1-7-2025 phải giải quyết được vấn đề này.
Còn chị NTCG (36 tuổi, cán bộ không chuyên trách ở Long An) cho biết rất ủng hộ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính nhưng cũng bày tỏ lo lắng về chế độ khi nghỉ việc. Theo chị G, công việc của cán bộ không chuyên trách cũng rất nhiều, không thua gì công việc của những cán bộ, công chức khác.
“Khi kết thúc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ 1-8, tôi cũng mong sẽ có những chế độ hỗ trợ phù hợp để ổn định cuộc sống và tìm công việc mới” – chị G kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi giao ban thường kỳ Bộ Nội vụ chiều 28-4, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, cho biết đơn vị đang chờ tổng hợp đề xuất của các địa phương để xây dựng chính sách phù hợp.
Theo ông Nam, có ba phương án được đưa ra là hỗ trợ tính theo số năm công tác còn lại trước khi đến tuổi hưu; tính theo quá trình, số năm công tác thực tế và đề xuất hỗ trợ theo con số tuyệt đối. Do đó, Vụ sẽ tổng hợp ý kiến rồi đề xuất với Bộ trưởng, sau đó gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ.
Ông Vũ Hải Nam cũng khẳng định nghị định về chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã bị tinh giản sẽ hoàn thành trong tháng 5.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sau đó đã yêu cầu thống nhất luôn một phương án. Bà gợi mở phương án hợp lý nhất là tính mức hỗ trợ theo số năm công tác. Cán bộ có số năm công tác bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu.
Mức hỗ trợ này nên theo Nghị định 29/2023 nhưng không phải tính theo hướng số năm còn lại trước khi nghỉ hưu, mà tính theo số năm đã gắn bó với bộ máy. Những ai có thời gian cống hiến lâu thì sẽ được hưởng nhiều và ngược lại.
Bộ trưởng Nội vụ cũng chia sẻ bà đã nhận được nhiều tâm tư, phản ánh của các cán bộ không chuyên trách cấp xã phải tinh giản đợt này. Có những người trước đây đã là cán bộ, công chức nhưng sau đó vì yêu cầu, nhiệm vụ, họ được chuyển sang làm cán bộ không chuyên trách.
Chẳng hạn như Chủ tịch Hội phụ nữ, Chủ tịch MTTQ, Bí thư Đoàn thanh niên khi xuống cấp phó thì không còn là cán bộ chuyên trách nữa. “Vì vậy, phải xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý cho nhóm này, tránh để họ thiệt thòi" – bà Trà nói.
Theo Nghị định 29/2023 về tinh giản biên chế, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính sẽ được hưởng trợ cấp.
Cụ thể, trường hợp giữ chức danh do bầu cử thì cứ mỗi tháng nghỉ trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, được trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Nếu nghỉ hưu trước khi kết thúc lộ trình sắp xếp, số tháng trợ cấp tính theo số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu.
Trường hợp giữ chức danh không do bầu cử thì cứ mỗi tháng nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, được trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Nếu nghỉ hưu trước khi kết thúc lộ trình, số tháng trợ cấp tính theo số tháng nghỉ trước thời điểm nghỉ hưu.