Bộ Tư pháp lên tiếng việc đánh thuế cao với 'lướt sóng' nhà đất
Theo Bộ Tư pháp, việc đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu là không khả thi do hệ thống quản lý thuế và đất đai chưa đồng bộ, cần nghiên cứu thêm.
Ý kiến được Bộ Tư pháp góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất “có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước. Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản”. Đề xuất này nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.
Góp ý, Bộ Tư pháp cho rằng, mức thuế cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.
Để thực hiện chính sách này, cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản.
Do đó, Bộ này cho rằng, giải pháp thu thuế theo thời gian nắm giữ không khả thi, nên đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chính sách trước khi áp dụng nhằm đảm bảo hiệu quả và tính khả thi.
Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản ở Việt Nam đang áp dụng thuế suất cố định 2% trên giá trị giao dịch, không phân biệt theo thời gian sở hữu.
![Đề xuất đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản. Ảnh: Thạch Thảo](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_23_51477171/5837c185f3cb1a9543da.jpg)
Đề xuất đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản. Ảnh: Thạch Thảo
Hồi tháng 9/2024, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm.
Năm ngoái, đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm hoàn thiện công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Theo khảo sát của VietNamNet về việc đánh thuế bất động sản thứ hai và bỏ hoang, tỷ lệ phản đối "nhỉnh" hơn số đồng tình lần lượt là 52% và 48%.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ hai rất cần thiết. Tuy nhiên, phải nhìn tổng thể mặt bằng chung hiện nay chúng ta cũng chưa đánh giá được đúng thực trạng, lượng bất động sản bán cho người dân hiện nay.
"Người có nhiều biệt thự, chúng ta chưa xác định được cụ thể bao nhiêu. Người có hàng chục căn hộ, chúng ta cũng chưa xác định được bao nhiêu. Khi chúng ta đánh giá được đúng thực trạng đó rồi, sẽ đưa ra bài toán phù hợp hơn. Nếu đánh thuế ngay, sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, đánh thuế bất động là bài toán khó. Nhưng trong tương lai phải làm và cần phổ biến dần thông qua phương tiện thông tin, qua đánh giá thị trường. Nhà đầu tư cần phải hiểu rằng, không phải cứ đầu tư vào bất động sản là có lãi và không phải cứ kỳ vọng giá lên để ôm nhà, ôm chung cư, để kỳ vọng khi hoàn thành hành lang pháp lý sẽ có mức giá mới, và lập mặt bằng mức giá mới rồi sẽ không bao giờ xuống. Thực tế không phải như thế.
"Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo làm 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tôi tin thị trường sẽ tăng nguồn cung với nhà để bán và nhà cho thuê. Trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ về đúng bản chất. Và như vậy, tôi cho rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ hai là khả quan. Tuy nhiên, đánh thuế chưa thể làm ngay vì cần phải nghiên cứu đánh giá", ông Hùng nêu ý kiến.
Theo dữ liệu của một đơn vị nghiên cứu bất động sản, trong năm 2023, có 15% nhà đầu tư nắm giữ bất động sản mua vào rồi bán ra trong 3 tháng, 36% nắm giữ từ 3 - 6 tháng, 35% nắm giữ từ 6 - 12 tháng.
Điều này đồng nghĩa chỉ có 16% nhà đầu tư tại Việt Nam nắm giữ từ 1 - 2 năm hoặc lâu hơn.
Tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%.
Ở Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch BĐS thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.