Giao đất cho chủ đầu tư bất động sản kém năng lực: Lãng phí!
Chủ tịch HoREA, hàng trăm dự án tại TP HCM bị vướng mắc pháp lý một phần là do chủ đầu tư kém năng lực, nếu không sớm được tháo gỡ để khởi động lại thì vừa rất lãng phí nguồn lực đất đai, vừa thất thu ngân sách nhà nước.
Trích dẫn số liệu từ Sở Xây dựng TP HCM, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, trong giai đoạn 2015-2023, toàn thành phố có 86 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị ngừng triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện, chiếm 62,3% trong tổng số 138 dự án nhà ở.
HoREA nhấn mạnh: 86 dự án bất động sản bị dừng triển khai có quy mô sử dụng đất lên đến 964 ha, điều này gây lãng phí rất lớn về nguồn lực đất đai và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh 86 dự án bị dừng triển khai, thành phố còn có 220 dự án bất động sản có vướng mắc tới pháp lý, trong đó có 72 dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến, 148 dự án do HoREA tổng hợp.

Giao đất cho chủ đầu tư bất động sản kém năng lực là sự lãng phí lớn. (Ảnh minh họa/TTXVN)
Trong tổng số 220 dự án đó, đã có 77 dự án đã được xử lý đạt 35% và còn 143 dự án đang được tiếp tục xử lý.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, hàng trăm dự án bị vướng mắc pháp lý là một phần là do chủ đầu tư kém năng lực. Ông Châu nhấn mạnh: Nếu không sớm được tháo gỡ để khởi động lại thì vừa rất lãng phí nguồn lực đất đai, vừa thất thu ngân sách nhà nước, vừa khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thiếu nguồn cung nhà ở nên giá nhà khó kéo giảm trong ngắn hạn.
Ngoài các vấn đề liên quan tới năng lực của chủ đầu tư, ông Châu cũng cho rằng, nhiều dự án bất động sản hiện nay đang bị đình trệ do vướng mắc trong quy định chuyển nhượng dự án.
Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng dự án khi đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính về đất đai.
HoREA cho rằng điều này chưa thực sự phù hợp với thực tế, bởi nếu chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thì chỉ cần chờ khoảng 21 ngày để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không khác gì so với quy định trước đây tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Vì vậy, HoREA đề xuất cho phép chuyển nhượng dự án ngay cả khi chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, với điều kiện bên nhận chuyển nhượng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này thay thế.
“Cách làm này sẽ giúp giải quyết tình trạng hàng trăm dự án bị "trùm mền", đồng thời đảm bảo ngân sách nhà nước vẫn thu được đầy đủ các khoản thuế, phí”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA phân tích, trong Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, trong đó cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản có tài sản bảo đảm mà không bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước. Nhờ đó, trong giai đoạn 2017-2023, nhiều dự án đã được xử lý nhanh chóng, giúp thị trường vận hành thông thoáng hơn.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 quy định rằng việc chuyển nhượng dự án không thuộc lĩnh vực bất động sản chỉ yêu cầu dự án không bị chấm dứt hoạt động và đáp ứng điều kiện trong văn bản chấp thuận đầu tư. HoREA cho rằng nếu áp dụng nguyên tắc này đối với bất động sản, sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình dự án.
Do vậy, nếu đề xuất trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án thì chủ đầu tư nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ này thay cho chủ đầu tư chuyển nhượng sẽ giúp khơi thông thị trường, tạo cơ hội tái khởi động cho các dự án bị đình trệ.
"Đề xuất này cũng đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính", HoREA nhấn mạnh.