Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth nói châu Âu đừng đối xử với Mỹ như 'chú ngốc'
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth bác bỏ những chỉ trích về chiến lược đàm phán của Washington với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói rằng châu Âu không nên đối xử với Mỹ như một 'chú ngốc' khi bắt Washington chịu trách nhiệm về quốc phòng của lục địa này.
![Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu tại trụ sở NATO, ngày 13/2. (Ảnh: Reuters)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_20_51474099/347cde67ef2906775f38.jpg)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu tại trụ sở NATO, ngày 13/2. (Ảnh: Reuters)
"Đừng nhầm lẫn, Tổng thống Trump sẽ không cho phép bất kỳ ai biến 'chú sam' thành 'chú ngốc'", ông Hegseth phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra ở trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, ngày 13/2. Ông cho biết, châu Âu nên chịu trách nhiệm chính về quốc phòng của họ.
Trong lần xuất hiện đầu tiên ở nước ngoài kể từ khi trở thành lãnh đạo Lầu Năm Góc ngày 24/1, ông Hegseth gây ra "trận bão chỉ trích" ở châu Âu sau khi phát biểu rằng, việc khôi phục lại biên giới của Ukraine như trước năm 2014 là không thực tế, và chính quyền Tổng thống Trump không coi việc trao tư cách thành viên NATO cho Kiev là một phần của giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay.
Những người chỉ trích ông Hegseth cho rằng phát biểu này đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ tiêu chuẩn của mình trong các cuộc đàm phán với Nga trước khi bắt đầu. Họ gọi đây là chiến thắng lớn dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngày 13/2, ông Hegseth bảo vệ phát biểu của mình, khẳng định đây là sự thừa nhận thực tế chiến trường. Ông cũng để ngỏ khả năng Mỹ sẽ có những quyết định trong đàm phán mà các bên khác cho là nhượng bộ, như vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine và lực lượng hiện diện ở châu Âu.
"Tôi nghĩ sẽ công bằng khi nói rằng những vấn đề như tài trợ trong tương lai, ít hơn hoặc nhiều hơn, có thể được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói với các phóng viên, đồng thời cho biết ông sẽ không nói về điều này trước Tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 12/2, sau đó chỉ đạo các quan chức Mỹ bắt đầu chuẩn bị đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm.
Lời đề nghị đơn phương mà ông Trump đưa ra với ông Putin, cùng với những nhượng bộ về đòi hỏi của Ukraine, khiến Kiev và các đồng minh châu Âu trong NATO cảm thấy báo động. Họ lo ngại Nhà Trắng có thể tiến tới thỏa thuận với Nga mà bỏ qua châu Âu.
"Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, đơn giản là sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có chúng tôi", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với các phóng viên tại Ukraine.
Các quan chức châu Âu thể hiện lập trường cứng rắn công khai về lời đề nghị đàm phán hòa bình của ông Trump. Họ nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng không thể thực hiện được trừ khi châu Âu và người Ukraine tham gia đàm phán.
"Bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cũng là một thỏa thuận bẩn thỉu", quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Kaja Kallas nói với báo chí tại trụ sở NATO ngày 13/2. Ông Hegseth bác bỏ chỉ trích cho rằng ông đang làm suy yếu NATO hoặc an ninh châu Âu.
"NATO là một liên minh tuyệt vời, liên minh phòng thủ thành công nhất trong lịch sử, nhưng để tồn tại trong tương lai, các đối tác của chúng ta phải làm nhiều hơn nữa cho quốc phòng của châu Âu. Chúng ta phải làm cho NATO vĩ đại trở lại", ông nói.