Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu đẩy mạnh điều tra đất đai giai đoạn 2026 - 2030
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh triển khai công tác điều tra, đánh giá đất đai tại địa phương theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Theo quy định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá đất đai định kỳ 5 năm một lần và theo chuyên đề. Trong thời gian qua, Bộ đã thực hiện một số cuộc điều tra quy mô toàn quốc như tổng điều tra tài nguyên đất đai, đánh giá thoái hóa đất ở cả nước và tại 6 vùng kinh tế - xã hội.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để triển khai công tác điều tra, đánh giá đất đai giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chỉ đạo triển khai công tác điều tra, đánh giá đất đai. Tuy nhiên, hoạt động này tại cấp tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng thiếu thông tin về chất lượng, tiềm năng đất, hay mức độ thoái hóa và ô nhiễm đất.
Chính điều này khiến việc bố trí sử dụng đất tại địa phương chưa thực sự hợp lý, hiệu quả sử dụng đất thấp và chưa có các biện pháp kịp thời để bảo vệ, cải tạo hoặc ngăn ngừa suy thoái đất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, việc điều tra, đánh giá đất đai chính xác là yêu cầu cấp thiết.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để triển khai công tác điều tra, đánh giá đất đai giai đoạn 2026-2030.
Nội dung điều tra bao gồm: đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai nhằm xác định các vùng đất có năng suất cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế; đánh giá mức độ thoái hóa đất theo từng loại hình để đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi; và điều tra ô nhiễm đất để khoanh vùng các khu vực bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ô nhiễm, từ đó đưa ra biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu sử dụng kết quả điều tra làm căn cứ phục vụ lập và điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất các cấp.
Các địa phương cần đảm bảo bố trí đầy đủ nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương cần rà soát, báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ điều tra, đánh giá đất đai từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực cho đến nay, gửi về Bộ để tổng hợp và chỉ đạo tiếp theo.
Bộ cũng giao Cục Quản lý đất đai đôn đốc, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương trong việc thực hiện công tác điều tra, đánh giá đất đai theo Luật Đất đai năm 2024.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký công văn gửi Ban Chỉ đạo triển khai Đề án sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, yêu cầu các địa phương sau sáp nhập cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy định về đất đai để thống nhất trong phạm vi đơn vị hành chính mới. Theo Đề án, cả nước sẽ còn lại 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc hợp nhất hành chính có thể gây ra sự khác biệt giữa các địa phương về thời gian giải quyết thủ tục, mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư hay tiêu chí đấu thầu sử dụng đất. Những chênh lệch này nếu không được xử lý thống nhất sẽ dẫn đến so sánh thiệt hơn giữa các đối tượng sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Do đó, Bộ đề nghị các địa phương sau sáp nhập chủ động sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo hướng đồng bộ, có quy định chuyển tiếp phù hợp để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các địa phương cần phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể.