Cập nhật chính xác số liệu giải ngân vốn đầu tư công, làm rõ nguyên nhân chậm trễ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cập nhật chính xác số liệu phân bổ, giải ngân vốn, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc chậm trễ; khẩn trương đề xuất phương án xử lý các kiến nghị liên quan đến điều chuyển, bố trí vốn, dừng dự án…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CP

Chiều 07/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 16 đơn vị (7 bộ, cơ quan Trung ương, 9 địa phương) thuộc Tổ công tác số 2 là 253.255,055 tỷ đồng, chiếm 30,66% tổng kế hoạch vốn đầu tư của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao (825.992,269 tỷ đồng).

Tính đến ngày 06/5/2025, tổng số vốn phân bổ là 250.126,601 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.538,131 tỷ đồng số vốn cân đối ngân sách địa phương giao vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), đạt 98,76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có 4/7 bộ, cơ quan Trung ương và 5/9 địa phương đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, tỷ lệ giải ngân thực tế của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 2 đạt 15,41% kế hoạch được Thủ tướng giao, thấp hơn mức ước giải ngân trung bình của cả nước đến ngày 30/4/2025 (15,56%).

Trong đó, 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ ước giải ngân bình quân chung của cả nước gồm: Phú Thọ (46,71%); Thanh Hóa (39,02%); Hà Tĩnh (29,43%); Nghệ An (22,56%); Quảng Bình (19,23%); Bắc Giang (18%); Hòa Bình (17,34%).

Đáng chú ý, trong 7 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, 2 đơn vị có số giải ngân tuyệt đối lớn là Bộ Xây dựng (11.829,03 tỷ đồng) và thành phố Hà Nội (9.586,3 tỷ đồng), chiếm lần lượt là 9,2% và 7,5% tổng giải ngân cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ, chậm giải ngân thẳng thắn báo cáo, làm rõ nguyên nhân. Những đơn vị triển khai chậm không có lý do xác đáng sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm. Đối với các địa phương giải ngân tốt, có nhu cầu thêm vốn thì cần đề xuất nhu cầu bổ sung vốn hoặc điều chuyển vốn từ những nơi không có khả năng giải ngân để tăng cường hiệu quả.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: CP

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: CP

Tại cuộc họp, những bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chậm phân bổ vốn kế hoạch, chậm giải ngân đã giải trình, làm rõ thêm các khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá, phương án đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng. Quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa đối với các dự án mất nhiều thời gian.

Lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương kiến nghị một số giải pháp điều hòa, điều chuyển vốn giữa các dự án chưa có khả năng giải ngân vốn hoặc chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; giảm, hoàn trả phần vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do không có nhu cầu sử dụng; bổ sung vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bộ Tài chính khẩn trương bố trí vốn (tăng thu, ngân sách Trung ương) thực hiện các dự án…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách từ trước tháng 4/2025 đã được tháo gỡ, giải quyết trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Những khó khăn còn lại chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện tại một số dự án cụ thể. Vì vậy, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải rà soát, đánh giá nghiêm túc về khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính; chủ động khắc phục những hạn chế của đơn vị mình, địa phương mình khi vận dụng cơ chế, chính sách hiện có.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cập nhật chính xác số liệu phân bổ, giải ngân vốn, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc chậm trễ; khẩn trương đề xuất phương án xử lý các kiến nghị liên quan đến điều chuyển, bố trí vốn, dừng dự án…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến phê duyệt quy hoạch 1/500. Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm khi đề xuất trả lại hơn 3.800 tỷ đồng vốn do không giải ngân hết. Tỉnh Quảng Trị và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cần tập trung tháo gỡ các khó khăn cụ thể của địa phương và đơn vị mình./.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cap-nhat-chinh-xac-so-lieu-giai-ngan-von-dau-tu-cong-lam-ro-nguyen-nhan-cham-tre-40079.html
Zalo