Bình Thuận đẩy nhanh đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Năm 2025, ngành Công Thương Bình Thuận tiếp tục thực hiện giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp phục vụ mặt bằng sản xuất.

Hấp dẫn đầu tư thứ cấp

Theo số liệu từ Sở Công Thương Bình Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng đã và đang triển khai đầu tư. Địa phương đã tập trung đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: Sông Bình, Nam Hà 2, Đông Hà, Nghị Đức, Tân Bình 1 để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.

Năm vừa qua, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thu hút được 5 dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 3.202,03 tỷ đồng, tổng diện tích 42 ha, bao gồm các dự án: Nhà máy bột cá xuất khẩu Minh Phước Group (tại CCN Tân Bình 1), Nhà máy sản xuất giấy Bình Thuận (cụm công nghiệp Thắng Hải 1), dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê (cụm công nghiệp Nam Hà 2), Nhà máy sản xuất bao bì Stanvian Bình Thuận và Nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử (cụm công nghiệp Đông Hà)…

Nhà máy sản xuất bê tông tại cụm công nghiệp Nam Hà 2. Ảnh: Quốc Tín

Nhà máy sản xuất bê tông tại cụm công nghiệp Nam Hà 2. Ảnh: Quốc Tín

Lũy kế đến nay, các cụm công nghiệp đã thu hút, bố trí hơn 177 dự án đầu tư với tổng diện tích 300,98 ha, chiếm 39,7% diện tích đất công nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng trên 13.000 lao động tại địa phương.

Để đạt được kết quả này, theo lãnh đạo Sở Công Thương BìnhThuận, địa phương thường xuyên tổ chức cuộc họp làm việc với các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Qua đó, ghi nhận trao đổi và đề xuất, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đầu tư cụm công nghiệp.

Tập trung tháo gỡ những vướng mắc

Tuy nhiên, cũng lãnh đạo Sở Công Thương nêu rõ, hiện trạng phát triển cụm còn gặp vướng mắc trong thủ tục thành lập cụm công nghiệp; tiến độ đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp còn thấp; quy hoạch các cụm công nghiệp dàn trải, một số cụm công nghiệp quy hoạch chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, cũng như các doanh nghiệp đầu tư tại cụm công nghiệp chưa nhiều, chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư quan tâm, mong muốn đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

Suất đầu tư cụm công nghiệp lớn trong chủ đầu tư phải thực hiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, trong đó có đầu tư hạ tầng môi trường và thủ tục giấy phép môi trường mới đảm bảo điều kiện thu hút dự án thứ cấp, để dự án thứ cấp đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào đầu tư xong cũng có dự án thứ cấp đăng ký vào cụm để thuê nên chủ đầu tư phải đầu tư vốn quá lớn và chờ đợi nhà đầu tư thứ cấp trong thời gian dài, thậm chí có thể 7-10 năm. Đây cũng là lý do gây chậm tiến độ triển khai đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện 2 thủ tục: Chấp hành chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 (quy định cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư) và thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (quy định cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập cụm công nghiệp là Sở Công Thương).

Với vướng mắc này, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục nào thực hiện trước và thủ tục nào thực hiện sau, kèm theo đó là trình tự thu hồi dự án nếu trong trường hợp phải thu hồi dự án.

Về phía địa phương, trong năm 2025, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan theo dõi hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận. Nhất là với một số cụm như: Nam Hà 2, Đông Hà, Tân Bình 1, Nghị Đức, Nghĩa Hòa, Sông Bình, Thắng Hải 1, Thắng Hải 2, Thắng Hải 3… nhằm đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư thứ cấp.

Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để xúc tiến xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp tại địa phương. Trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp, sẽ ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là những dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng, dự án công nghiệp quy mô lớn thuộc lĩnh vực điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô...

Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 38 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.278,4 ha.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-thuan-day-nhanh-dau-tu-ha-tang-cum-cong-nghiep-373647.html
Zalo