Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phát triển đường sắt đô thị

Tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và TP. HCM, Chính phủ đề xuất Hà Nội và TP. HCM được chỉ định gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị.

6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt

Chiều 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai Thành phố trong việc triển khai đầu tư, phát huy tính chủ động, tích cực của hai Thành phố; hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Việc xây dựng Nghị quyết đảm bảo các quan điểm: phù hợp Hiến pháp, không trái với điều ước quốc tế; phù hợp với các chiến lược, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, trên quan điểm Trung ương xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, đảm bảo kiểm soát về mặt vĩ mô, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rút ngắn trình tự, thủ tục để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; huy động tối đa nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để hai Thành phố thực hiện thành công mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị bảo đảm hiện đại, bền vững.

Dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua gồm nhóm chính sách về: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đinh Luyện

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đinh Luyện

Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất UBND Thành phố được quyết định phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt; quyết định không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chính quyền hai thành phố này được ứng trước ngân sách địa phương năm sau để thực hiện dự án; lập thiết kế kỹ thuật tổng thể thay thiết kế cơ sở và giao chủ đầu tư quyết định phê duyệt các bước thiết kế còn lại; quy định tổng mức đầu tư, dự toán được áp dụng định mức, đơn giá do các tổ chức quốc tế công bố, các dự án có tính chất tương tự trên thế giới; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng trao quyền cho Thủ tướng quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên.

Thủ tướng có thể huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập Đề xuất dự án. HĐND Thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, vốn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Đề nghị cân nhắc việc chỉ định thầu

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các nhóm chính sách đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép trong thời gian qua tại Luật Thủ đô, Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Do đó, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Về huy động nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, tại điểm a khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết cần làm rõ trong trường hợp giảm hoặc bổ sung thêm dự án so với danh mục dự án kèm theo Nghị quyết này thì số vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.

Về lập tổng mức đầu tư, dự thảo gói thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Nghị quyết xác định có 2 loại dự án là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển). Theo đó, tại điểm a xác định loại dự án được áp dụng chính sách là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, tuy nhiên tại điểm b, c lại chỉ xác định là dự án. Mặt khác, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chỉ cho phép áp dụng chính sách này đối với dự án tuyến đường sắt, không bao gồm dự án thuộc khu vực TOD. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần thuyết minh, làm rõ hơn nữa về nội dung này.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc chỉ định các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, do tính chất đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (đô thị phát triển dựa trên các trạm giao thông công cộng), Ủy ban đề nghị cân nhắc việc chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.

Về phát triển theo mô hình TOD, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 và điểm b khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị quyết có phần trùng lặp và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết sẽ làm vô hiệu hóa, mất ý nghĩa của các quy hoạch và có thể dẫn đến các tác động tiêu cực về sau, do đó Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp hơn.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, làm rõ hơn sự cần thiết của quy định tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị quyết và rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình áp dụng pháp luật về đất đai.

T. Vy - L. Chi

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/de-xuat-trao-nhieu-co-che-chinh-sach-de-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-phat-trien-duong-sat-do-thi-183250213163607828.htm
Zalo