Trình Quốc hội thí điểm cơ chế đặc biệt phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Chiều 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai thành phố trong việc triển khai đầu tư, phát huy tính chủ động, tích cực của hai thành phố; hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Việc xây dựng Nghị quyết đảm bảo các quan điểm: phù hợp Hiến pháp, không trái với điều ước quốc tế; phù hợp với các chiến lược, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, trên quan điểm Trung ương xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, đảm bảo kiểm soát về mặt vĩ mô, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rút ngắn trình tự, thủ tục để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; huy động tối đa nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để hai thành phố thực hiện thành công mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị bảo đảm hiện đại, bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, dự thảo Nghị quyết gồm 11 Điều, cụ thể: Điều 1 về phạm vi điều chỉnh; Điều 2 về đối tượng áp dụng; Điều 3 về giải thích từ ngữ; Điều 4 về huy động nguồn vốn; Điều 5 về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; Điều 6 về phát triển đô thị theo mô hình TOD; Điều 7 về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Điều 8 về chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Điều 9 về các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh; Điều 10 về tổ chức thực hiện; Điều 11 về điều khoản thi hành.

Dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua gồm nhóm chính sách về: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quang Vinh.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, về lập tổng mức đầu tư, dự thảo gói thầu (khoản 6 Điều 5 dự thảo Nghị quyết), Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự thảo Nghị quyết xác định có 2 loại dự án là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Theo đó, tại điểm a xác định loại dự án được áp dụng chính sách là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, tuy nhiên tại điểm b, c lại chỉ xác định là dự án. Mặt khác, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam chỉ cho phép áp dụng chính sách này đối với dự án tuyến đường sắt, không bao gồm dự án thuộc khu vực TOD. Do đó, đề nghị thuyết minh, làm rõ.

Liên quan đến khoản 7 Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án, ông Thanh thông tin, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, do tính chất đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ của loại dự án này. Tuy nhiên đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.

Về các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh (Điều 9), Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các quy định này cơ bản được kế thừa tại Luật Thủ đô, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 9 dự thảo Nghị quyết quy định “Ủy ban nhân dân thành phố được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt” là chưa thống nhất với các quy định về dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, khoản 26 điều 79 Luật Đất đai đã quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có các dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển, để làm cơ sở cho thành phố triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Do đó, quy định nêu trên là không cần thiết.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trinh-quoc-hoi-thi-diem-co-che-dac-biet-phat-trien-mang-luoi-duong-sat-do-thi-tai-tp-ha-noi-tp-ho-chi-minh-10299866.html
Zalo