Bị cúm tại sao không dùng kháng sinh?
Thông thường khi bị nóng sốt, ho, sổ mũi thì mọi người thường hay ra tiệm thuốc Tây mua thuốc hạ sốt và kèm kháng sinh về uống. Đây là một thói quen không tốt và không đúng theo khoa học, nhất là trong mùa dịch cúm hiện nay. Để giúp cho bà con biết rõ về việc này, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:
Thuốc kháng sinh được thiết kế để nhằm tấn công vào các cấu trúc và quá trình sinh sống cụ thể của vi khuẩn, chẳng hạn như thành tế bào và hệ thống tổng hợp protein để tiêu diệt chúng.
Nhưng vi rút có cấu trúc hoàn toàn khác biệt so với vi khuẩn. Vi rút không có thành tế bào, không tự thực hiện các quá trình trao đổi chất và chỉ có thể nhân lên khi xâm nhập vào tế bào chủ.
Các thành phần mục tiêu tấn công của thuốc kháng sinh không tồn tại ở cấu trúc của vi rút, khiến thuốc kháng sinh không có mục tiêu nào để diệt vi rút. Để điều trị các bệnh do vi rút gây ra, bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng vi rút.
Thuốc này được thiết kế khác biệt để can thiệp vào quá trình xâm nhập và sinh sôi nảy nở của vi rút ở tế bào vật chủ.
Ví dụ cụ thể là vi rút cúm A/H1N1 hiện nay. Đây là một trong những chủng vi rút cúm phổ biến. Nếu bà con mình mua kháng sinh ampicillin về uống thì sẽ như thế nào? Ampicillin hoạt động bằng cách tấn công thành tế bào của vi khuẩn, trong khi vi rút cúm A/H1N1 không có thành tế bào, nó sống bám vào tế bào chủ để sinh sản.
Ampicillin là một loại thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế sự tổng hợp của thành tế bào vi khuẩn, làm suy yếu cấu trúc bảo vệ của chúng. Thành tế bào bị suy yếu, khiến cho áp lực nội bào trong vi khuẩn vượt qua khả năng giữ vững của thành tế bào, thành tế bào vi khuẩn bị vỡ ra, vi khuẩn bị phá hủy và nó sẽ bị chết đi.
Còn vi rút cúm, mặc dù vi rút không có thành tế bào như các tế bào vi khuẩn, nhưng chúng có một lớp vỏ bảo vệ được gọi là capsid, là một lớp protein bọc quanh vật liệu di truyền (DNA hoặc RNA). Bên ngoài lớp capsid còn có một lớp màng lipid ngoài cùng, gọi là vỏ (envelope) chứ không phải là thành tế bào, lớp vỏ được lấy từ màng tế bào của tế bào chủ khi vi rút ra khỏi tế bào vật chủ.
Các lớp vỏ này có vai trò bảo vệ vật liệu di truyền của vi rút khỏi các tác động của môi trường bên ngoài như nhiệt độ, ánh sáng và pH. Nhờ vậy, vi rút có thể tồn tại ở môi trường ngoài một khoảng thời gian nhất định, mặc dù trạng thái của chúng là bất động cho đến khi chúng tìm được tế bào chủ để xâm nhập và nhân lên.
Để dễ hình dung, thì có thể hiểu là thành tế bào vi khuẩn giống như một bức tường xây bằng gạch, còn vỏ vi rút giống như một màng bọc thực phẩm. Nếu lấy búa tạ (Ampicillin) mà đập bức tường thì tường sẽ đổ sập, nếu đập vào màng bọc thực phẩm thì nó chỉ đàn hồi, rồi trở về hình dạng cũ.
Nếu mọi người dùng kháng sinh không đúng thì có 3 cái hại: Sử dụng kháng sinh không đúng sẽ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Vi khuẩn sẽ trở nên kháng thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trong tương lai. Thuốc kháng sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như các vấn đề tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), dị ứng, hoặc thậm chí bị sốc phản vệ rất nguy hiểm; làm chậm quá trình phục hồi sau mắc cúm, do kháng sinh làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và cản trở việc hấp thu thức ăn từ ruột vào cơ thể.
Riêng trường hợp bệnh cúm biến chứng bội nhiễm vi khuẩn như viêm họng cấp, viêm phế quản, viêm phổi… thì mới dùng kháng sinh, do bác sĩ khám và kê đơn.