Người dân TP.HCM ăn rất mặn
Thói quen ăn mặn, tiêu thụ nhiều chất béo và ít rau xanh của người dân TP.HCM có thể làm gia tăng tỷ lệ tăng huyết áp, béo phì và nhiều bệnh không lây nhiễm khác.

Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày của người Việt. Ảnh: SCMP.
Dù ngành y tế Việt Nam đã nỗ lực giảm lượng muối tiêu thụ trong nhiều năm qua, người dân vẫn ăn mặn hơn mức khuyến cáo dưới 5 g muối/ngày. Nhiều biện pháp, từ truyền thông đến các chiến dịch tại địa phương, đã giúp giảm phần nào lượng muối sử dụng. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy mức tiêu thụ trung bình vẫn vượt xa ngưỡng an toàn.
Tiềm ẩn rủi ro sức khỏe
Muối (NaCl) được cấu thành từ hai nguyên tố Natri và Chlorua, trong đó Natri đóng vai trò quan trọng trong quá trình duy trì cân bằng dịch và huyết áp trong cơ thể. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5 g muối chứa khoảng 2.000 mg Natri, tương đương với lượng muối tối đa mà một người trưởng thành nên tiêu thụ trong ngày.
Với trẻ nhỏ dưới một tuổi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo chỉ nên sử dụng dưới 1,5 g muối/ngày, trong khi trẻ sơ sinh cần hạn chế dưới 0,3 g/ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người Việt vẫn tiêu thụ muối cao hơn mức khuyến nghị.
Nguồn muối tiêu thụ hàng ngày chủ yếu đến từ quá trình chế biến và nấu nướng hơn là thực phẩm chế biến sẵn. Theo thống kê, 81% lượng muối đến từ muối và gia vị được sử dụng khi nấu ăn, 11% từ thực phẩm chế biến sẵn, trong khi thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Trong đó, bột canh, nước mắm, muối tinh và mì chính là những nguồn cung cấp muối chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt.
Theo WHO, người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ tối đa 5 g muối/ngày để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày của người Việt. Ảnh: Freepik.
Dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền và vận động giảm tiêu thụ muối, nhưng báo cáo vẫn ghi nhận mức tiêu thụ trung bình của người Việt vượt xa mức khuyến nghị, đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát các bệnh lý liên quan.
Tại TP.HCM, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết quá trình đô thị hóa và lối sống tĩnh tại đang tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, nhận thức về dinh dưỡng hợp lý còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự mất cân đối trong chế độ ăn uống.
Thói quen ăn ít rau xanh, trái cây, tiêu thụ nhiều muối và chất béo là những yếu tố góp phần gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì, kéo theo nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu và tim mạch.
Số liệu báo cáo ghi nhận người dân TP.HCM sử dụng bình quân 8,5 g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO.
Trong báo cáo được Sở Y tế TP.HCM công bố hồi tháng 9, kết quả khám sức khỏe cho 233.051 người cao tuổi sinh sống trên địa bàn phân bố như sau:
- Cao huyết áp: 134.288 người, chiếm tỷ lệ 57,6%, trong đó, số người mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 32.847 người (14,1%).
- Đái tháo đường: 54.217 người, chiếm tỷ lệ 23,3%.
- Hen phế quản và bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính: 1,9% người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 0,9% người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Ung thư: người có tiền sử ung thư mắc ung thư chiếm 1% và có dấu hiệu nghi ngờ ung thư là 1,9%.
Thay đổi thói quen là cốt lõi
Theo Viện Tim mạch, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, và cứ 3 trường hợp tử vong thì có một ca do bệnh tim mạch, chủ yếu là tai biến mạch máu não. Đáng lo ngại, gần 57% người bị tăng huyết áp và 70% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán, trong khi hơn 86% bệnh nhân tăng huyết áp chưa được quản lý bệnh.
Trước thực trạng này, ngành y tế TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện thói quen dinh dưỡng không hợp lý. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thùy Dương, thành phố đang tăng cường giáo dục dinh dưỡng, thay đổi hành vi tiêu thụ thực phẩm, đồng thời tư vấn cải thiện bữa ăn gia đình và suất ăn tập thể.
Ngành y tế cũng đẩy mạnh truyền thông về hạn chế tiêu thụ muối, đường, đồng thời dán nhãn cảnh báo chất béo xấu trên các sản phẩm thực phẩm. Các đơn vị y tế cũng tăng cường khám sàng lọc, tư vấn dinh dưỡng, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động dinh dưỡng.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên giảm muối khi chế biến thức ăn. Ảnh: Gnomip.
Bên cạnh các chương trình dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng cho người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe. Công tác dinh dưỡng tiết chế sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ tại các bệnh viện, đảm bảo bệnh nhân được sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng kịp thời.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều cốt lõi trong việc vận động người dân giảm muối, giảm đường chính là thay đổi thói quen ăn uống từ gốc rễ. Chỉ khi người dân tự nhận thức được tác hại nghiêm trọng của việc ăn mặn, ăn ngọt đối với sức khỏe, họ mới chủ động thay đổi thói quen, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, đột quỵ và tim mạch.