Bí ẩn quan tài Ai Cập 3.000 tuổi vẽ thiên hà chứa Trái Đất

Tạo hình đặc biệt của nữ thần Nut trên một chiếc quan tài Ai Cập xa hoa 3.000 năm tuổi đã gây bối rối cho giới khoa học.

Nhà vật lý thiên văn Or Graur của Đại học Portsmouth (Anh) đã phân tích hàng trăm chiếc quan tài Ai Cập cổ đại và chỉ ra mối quan tâm đặc biệt của người dân Ai Cập ngày xưa đối với thiên văn học.

Trong đó, ấn tượng nhất là quan tài của Nesitaudjatakhet, được cho là một nữ ca sĩ được trọng vọng trong Vương triều thứ 2 (khoảng năm 1077-943 trước Công nguyên).

Thần Nut và thần Geb trên quan tài Ai Cập cổ đại - Ảnh: ĐẠI HỌC PORTSMOUTH

Thần Nut và thần Geb trên quan tài Ai Cập cổ đại - Ảnh: ĐẠI HỌC PORTSMOUTH

Theo TS Graur, trên quan tài của Nesitaudjatakhet là hình ảnh thần Nut, là nữ thần bầu trời của người Ai Cập cổ đại.

Nữ thần này đã xuất hiện trên những chiếc quan tài quý tộc công phu từ 4.600 năm trước.

Theo Ancient Origins, trong các cảnh phản ánh bầu trời ngày và đêm, Nut được miêu tả là một người phụ nữ khỏa thân, cong người, đôi khi được bao phủ bởi các vì sao hoặc đĩa Mặt Trời.

Tư thế cong người của Nut thể hiện cách mà bà khom lưng phía trên người em trai của mình - thần đất Geb - ngụ ý bầu trời bảo vệ, che chở cho Trái Đất bên dưới.

Bà được coi là người bảo vệ đất đai khỏi bị ngập lụt bởi dòng nước xâm lấn của hư không và đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ Mặt Trời, nuốt thiên thể này mỗi hoàng hôn và sinh ra nó một lần nữa vào lúc bình minh.

Tuy nhiên, trên quan tài bên ngoài của Nesitaudjatakhet, ngoại hình của Nut lại khác với chuẩn mực thông thường.

Một đường cong màu đen gợn sóng đặc biệt nối từ lòng bàn chân đến đầu ngón tay của bà, với các ngôi sao được vẽ với số lượng gần bằng nhau ở trên và dưới đường cong.

"Tôi nghĩ rằng đường cong gợn sóng tượng trưng cho Ngân Hà và có thể là biểu tượng của Great Rift - dải bụi tối cắt ngang dải ánh sáng khuếch tán sáng của Ngân Hà. So sánh hình ảnh này với một bức ảnh chụp Ngân Hà cho thấy sự tương đồng rõ rệt" - TS Graur cho hay.

Ngân Hà, tức Milky Way, chính là thiên hà chứa Trái Đất của chúng ta. Nó vốn là một thiên hà xoắn ốc khổng lồ, nhưng chỉ có thể nhìn thấy một phần trên bầu trời địa cầu.

Do vậy, người xưa hay gọi nó là "dải" Ngân Hà. Tất nhiên người Ai Cập nếu quan sát nó cũng sẽ cho rằng nó mang hình dạng một dòng sông sao.

Theo TS Graur, bằng chứng mới củng cố thêm lập luận rằng mối quan hệ giữa thần thoại Ai Cập cổ đại và bầu trời là sâu sắc và phức tạp.

Ngay cả bây giờ, hàng ngàn năm sau giai đoạn nền văn minh đó đạt đến đỉnh cao quyền lực và ảnh hưởng, vẫn còn nhiều điều cần khám phá về bản chất của mối quan hệ đó.

Thu Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bi-an-quan-tai-ai-cap-3000-tuoi-ve-thien-ha-chua-trai-dat-196250503081642803.htm
Zalo