Bệnh tay chân miệng gia tăng, cần cảnh giác và chủ động phòng bệnh cho trẻ
Bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh ở trẻ nhỏ, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu không kịp thời phòng ngừa và phát hiện sớm, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng tại nhiều tỉnh, thành phố đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm thường chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh tay chân miệng, đặc biệt trong nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Đây là thời điểm học sinh mầm non, tiểu học bước vào kỳ nghỉ hè.
Tại Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18/4 đến ngày 25/4) bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng. Trong tuần ghi nhận 290 ca mắc tay chân miệng tại 30 quận, huyện, thị xã; 0 tử vong, tăng 50 ca mắc so với tuần trước.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các loại virus đường ruột, chủ yếu là Enterovirus, gây ra. Đáng lo ngại, chủng Enterovirus 71 (EV71) được xác định là nguyên nhân chính trong nhiều ca bệnh nặng, bởi khả năng gây biến chứng thần kinh nghiêm trọng.
Điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều trong mùa hè năm nay tạo môi trường thuận lợi cho virus phát triển và lây lan nhanh chóng. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 3 tuổi chiếm tỷ lệ mắc cao nhất.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tay chân miệng là viêm não và viêm màng não, thường gặp ở những ca nhiễm virus Enterovirus 71 (EV71). Trẻ mắc bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như giật mình, rung giật cơ, bứt rứt, ngủ gà, run chi, yếu liệt, thậm chí hôn mê. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng viêm não có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
Bên cạnh đó, bệnh còn có thể gây viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, phù phổi cấp khiến trẻ suy hô hấp nhanh chóng. Những dấu hiệu như mạch nhanh, da nổi vân tím, tứ chi lạnh, thở gấp hoặc ho ra bọt hồng đều cảnh báo nguy cơ suy tim và trụy mạch, cần được cấp cứu ngay.
Mặc dù đa số các trường hợp tay chân miệng có thể tự hồi phục sau 7-10 ngày, nhưng một số trường hợp nhiễm EV71 lại tiến triển rất nhanh đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim.

Ảnh minh họa.
Theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam, tỷ lệ tử vong trong các ca biến chứng thần kinh có thể lên tới 30% nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Các chuyên gia nhấn mạnh, phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác khi trẻ có biểu hiện sốt cao kèm theo nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng hoặc ở mông. Khi đó, trẻ cần được đưa tới cơ sở y tế để thăm khám và theo dõi sát sao.
Bệnh tay chân miệng lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng, phân hoặc các bóng nước của người bệnh. Vì vậy, việc duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh là biện pháp then chốt để phòng bệnh.
Đối với các trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em, cần: Kiểm tra sức khỏe học sinh mỗi ngày; Phát hiện sớm trẻ có triệu chứng nghi ngờ để cách ly; Khử khuẩn lớp học, đồ dùng học tập ít nhất 1 lần/ngày.
Ngoài ra, cộng đồng cần tăng cường truyền thông, giáo dục về phòng bệnh tay chân miệng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh và nhà trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường, các bậc phụ huynh cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ bằng việc nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh và không chủ quan trước những dấu hiệu bất thường.
Vắc xin phòng bệnh đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, dành cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi, mang lại giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Đây là bước tiến quan trọng trong việc chống lại căn bệnh nguy hiểm, giúp ngăn chặn lây lan và bảo vệ sức khỏe trẻ em một cách chủ động.
Bên cạnh tiêm vắc xin, việc duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống cũng rất cần thiết. Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn. Các vật dụng cá nhân như đồ chơi, ly, muỗng, khăn mặt cần được làm sạch và khử khuẩn định kỳ. Không gian sống, lớp học phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Trong mùa dịch cao điểm (tháng 5 – 6 và 9 – 10), cần tránh cho trẻ đến nơi đông người hoặc tiếp xúc gần với người có dấu hiệu mắc bệnh. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất. Khuyến khích trẻ vận động, vui chơi hợp lý để nâng cao sức khỏe tổng thể.
Cuối cùng, gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ như sốt, nổi mụn nước để kịp thời đưa trẻ đi khám, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.