Chăm sóc sức khỏe sinh sản, trách nhiệm không chỉ của phụ nữ
Chăm sóc sức khỏe sinh sản thường được xem là trách nhiệm riêng của phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, chỉ khi nam giới tham gia tích cực, điều này mới có thể được đảm bảo một cách toàn diện và bền vững.
Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các xã hội Á Đông như Việt Nam, vai trò của phụ nữ trong các vấn đề sinh sản gần như được mặc định. Họ là người chủ động đi khám sức khỏe định kỳ, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, chịu trách nhiệm tránh thai và chăm sóc con cái.
Trong khi đó, hình ảnh nam giới trong các chiến dịch truyền thông về sức khỏe sinh sản gần như vắng bóng. Từ sách giáo khoa, áp phích tuyên truyền, đến các buổi hội thảo cộng đồng – phụ nữ vẫn là đối tượng chính.
Nam giới không thể đứng ngoài cuộc
Trên thực tế, sức khỏe sinh sản là vấn đề của cả hai giới. Nam giới không chỉ là người đồng hành trong đời sống tình dục mà còn có vai trò then chốt trong việc đảm bảo an toàn, lành mạnh và chất lượng cho các quyết định sinh sản.
Đáng chú ý, nam giới cũng đối mặt với không ít vấn đề như vô sinh, rối loạn tình dục, bệnh lây qua đường tình dục (STIs)… Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ nam giới đi khám sức khỏe sinh sản vẫn còn rất thấp – chỉ khoảng 15–20% so với nữ giới. Bởi, một phần do thiếu kiến thức, một phần do áp lực văn hóa – xã hội khiến họ cảm thấy “mất mặt” nếu đi khám những vấn đề “nhạy cảm”. Hệ quả là không ít trường hợp phát hiện bệnh muộn, ảnh hưởng đến cả bản thân.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Tránh thai và thai sản: Trách nhiệm chung, không phải riêng ai
Một trong những biểu hiện rõ nhất của sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản là việc tránh thai. Theo thống kê, hơn 75% các biện pháp tránh thai đang được áp dụng là do phụ nữ thực hiện – từ dùng thuốc, đặt vòng, đến triệt sản. Trong khi đó, biện pháp dành cho nam giới (như sử dụng bao cao su) lại chưa được quan tâm đúng mức.
Nếu nam giới chủ động sử dụng bao cao su – một phương pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả – không chỉ giúp ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn mà còn phòng tránh lây nhiễm STIs. Đây là một hành động thể hiện sự tôn trọng, trách nhiệm và bình đẳng trong mối quan hệ.
Tương tự, trong quá trình mang thai và sinh con, sự đồng hành của người chồng không chỉ là hỗ trợ về thể chất mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho người phụ nữ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai có chồng cùng tham gia chăm sóc thai kỳ sẽ có tỷ lệ trầm cảm sau sinh thấp hơn và kết quả sinh sản tốt hơn.
Muốn thay đổi, phải bắt đầu từ giáo dục và truyền thông
Chăm sóc sức khỏe sinh sản không thể đạt hiệu quả nếu chỉ nhắm đến một phía. Đã đến lúc các chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường cần được thiết kế lại – với nội dung công bằng cho cả nam và nữ, thay vì mặc định phụ nữ là người “phòng ngừa”, còn nam giới là “người ngoài cuộc”.
Truyền thông cũng cần thay đổi hình ảnh. Các chiến dịch y tế cộng đồng nên xây dựng những thông điệp hướng đến nam giới: Khuyến khích họ đi khám sức khỏe định kỳ, sử dụng bao cao su, đồng hành với bạn đời trong kế hoạch sinh con. Việc truyền tải thông tin qua mạng xã hội, thể thao, các nền tảng nam giới hay sử dụng cũng sẽ giúp thay đổi dần nhận thức cố hữu.
Bình đẳng bắt đầu từ sự đồng hành
Chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ là nhiệm vụ, mà là quyền và trách nhiệm chung của cả hai giới. Khi nam giới chủ động tham gia, khi xã hội ngừng xem đó là “chuyện đàn bà”, khi phụ nữ không còn phải đơn độc trong các quyết định lớn liên quan đến sức khỏe và cuộc sống – đó mới là lúc chúng ta tiến gần hơn tới một xã hội công bằng, văn minh và khỏe mạnh.