Bên Hồ Tây nói chuyện trà sen

Những người yêu trà, những 'tín đồ' của trà thường cho rằng, thưởng trà là một hình thức nghi lễ, nghệ thuật, và uống trà có nguồn gốc từ các nền văn hóa lâu đời. Nó không chỉ đơn giản thuộc về ẩm thực mà còn là một trải nghiệm tâm linh, tĩnh lặng...

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm sản xuất trà ướp sen

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm sản xuất trà ướp sen

Hồn cốt Tràng An

Có lẽ như vậy nên thưởng trà mang trong mình những giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Đầu tiên, nó tạo ra sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Thưởng thức trà là cách để con người tận hưởng hương vị của tự nhiên và nhìn nhận tình hình môi trường xung quanh. Vì vậy, “trà” để “thưởng” phải là loại trà đặc biệt, không dễ kiếm và dĩ nhiên giá cũng không hề… bình dân.

Tôi có lần được thưởng trà sen Bách Diệp ngay ngày đầu năm mới, khi lên chúc tết nghệ nhân trà sen Ngô Văn Xiêm. Tại căn nhà đồng thời cũng là cửa hàng giới thiệu sản phẩm kiêm cơ sở sản xuất nằm trên đường Quảng Khánh thuộc phường Quảng An, ông Xiêm cười vui khi thấy tôi đến và rót mời khách chén trà nóng hổi. Trông ra hồ Tây “lãng đãng sương bay khói tỏa”, tôi chậm rãi uống từng ngụm một. Thật tuyệt vời, vị thơm của sen nhè nhẹ đầu môi hòa quện cùng hương thơm của trà Tân Cương (Thái Nguyên). Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm sau khi nghe tôi nói về thưởng trà đã bổ sung thêm: “Thưởng trà sen không dành cho người khát nước”. Tôi hiểu ý của ông bởi khi thưởng trà sen Quảng An (còn gọi là trà sen Bách Diệp) thì phải uống từ từ, uống thanh nhã.

Câu chuyện đầu năm mới tập trung vào chuyện trà. Ông Xiêm cho hay: “Gọi là trà sen Quảng An vì thứ trà ướp sen này do những nghệ nhân người làng Quảng Bá, phường Quảng An, sản xuất. Lý do nó còn có cái tên trà sen Bách Diệp là bởi được những nghệ nhân đã ướp trà trong bông sen Bách Diệp. Đây là loài sen chỉ được trồng ở Đầm Trị, một hồ to nhất trong số những chiếc hồ của vùng hồ Tây (như Thủy Sở, Đầu Đồng, Ao Chùa). Ông Xiêm khẳng định: “Chỉ có sen Bách Diệp trong Đầm Trị mới là sen tốt nhất”. Tôi vội hỏi cho rõ: “Vậy sen Bách Diệp là giống sen thế nào?”. Ông Xiêm giải thích: “Đây là giống sen quý màu hồng đặc trưng chứ không phải đỏ hay trắng. Sen Bách Diệp được “uống” nước Đầm Trị có hương thơm thanh nhã khác hẳn chứ không thơm kiểu “ồn ào”. Bởi vậy ướp chè Tân Cương trong sen Bách Diệp tạo nên thứ hương nhẹ nhàng, không lấn át hương tự nhiên của trà Tân Cương”.

Câu chuyện thêm phần lý thú khi nghệ nhân Ngô Văn Xiêm cho biết gia đình ông làm nghề ướp trà sen đã 5 đời, tức là cũng hơn 100 năm, truyền từ đời này qua đời khác. Hiện vợ chồng anh con cả, anh con thứ, thậm chí cả gia đình con gái ông đều tập trung làm nghề này. Mấy đứa cháu nội ngoại ngoài những buổi học cũng tích cực tham gia phụ giúp. Nói như ông Xiêm thì đó là cách để lũ trẻ nối nghiệp gia đình. Ông khoe: “Vợ chồng tôi đều được công nhận là nghệ nhân ướp trà sen”. Được biết, hiện ở phường Quảng An số gia đình làm nghề ướp trà sen không nhiều lắm. Nổi tiếng là các nghệ nhân như: Nguyễn Thị Dần (cụ vừa mất cách đây ít tháng, thọ hơn 100 tuổi), Đàm Thị Oanh, Ngô Thị Phấn. Tôi góp thêm: “Tuy số nghệ nhân không nhiều, nhưng mà tinh bác ạ”. Ông Xiêm gật đầu rồi quay trở lại câu chuyện ướp trà, pha trà sen.

Ấm gốm Bát Tràng dùng để pha trà sen

Ấm gốm Bát Tràng dùng để pha trà sen

Dư vị Đầm Trị

Theo đó, vào các mùa thu, đông và xuân thì cơ sở ướp trà sen của ông mua chừng 2 tạ chè. Tất cả đều là chè Tân Cương trồng theo tiêu chuẩn Việt GAP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Đó mới là chè an toàn hay còn gọi là chè sạch” - ông Xiêm nói. Thấy tôi đang hào hứng, ông Xiêm khoe tiếp: “Tháng 12-2024, nghề ướp trà sen Quảng An của chúng tôi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vinh dự lắm ông ạ. Người dân làng Quảng Bá chúng tôi ai cũng tự hào và nhắc nhau phải giữ được nghề để truyền cho lớp con cháu sau này”.

Chèn trà sen Bách Diệp cứ thơm mãi, tôi bèn hỏi ông Xiêm về cách pha trà như thế nào để có được chén trà vừa nóng lại vừa giữ hương lâu. Ông Xiêm cho hay, trà Tân Cương sau khi được ướp trong sen Bách Diệp thì khi pha tuyệt đối không được rửa, tức là trà cho vào ấm thì không được “tráng trà” như nhiều người hay làm. Ông khẳng định: “Đã gọi là trà sạch thì cứ yên tâm mà pha, đừng lo tráng rửa bụi hay đề phòng trà còn dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng phân hóa học. Tiêu chuẩn Việt GAP là làm ra sản phẩm sạch, an toàn 100% cho người sử dụng rồi mà”.

Trà được bỏ vào ấm, mà ấm phải là gốm Bát Tràng, chứ ấm sứ Trung Quốc hay ấm sành tráng men là trà sẽ không ngon. Ấm chén được tráng qua bằng nước sôi. Cũng theo đó thì trà cho vào ấm tùy theo khẩu vị của người uống và căn cứ vào số lượng khách nhiều hay ít. Tóm lại, số lượng chè vừa đủ để không bị nhạt hay đặc quá. Cái gì quá cũng đều phản tác dụng và giảm đi thú thưởng trà tao nhã. Bạn bè ngồi bên nhau nhâm nhi thưởng trà rồi nói chuyện vui, chuyện con cháu học giỏi, chăm ngoan, tức là nói huyện tao nhã một cách điềm đạm, tĩnh tâm, chứ không nên nói những chuyện bức xức vì bức xức sẽ làm mất đi cái hứng thưởng trà. Ông Xiêm cho biết: “Cho lượng trà vừa đủ vào ấm, sau đó đổ nước sôi khoảng 90 độ vào hãm (không nên dùng nước sôi 100 độ, lý do là nước sôi già sẽ làm trà có vị khét). Nước đầu tiên nhớ đổ sâm sấp trà trong ấm, hãm chừng 1 - 2 phút cho búp trà nở thì mới tiếp thêm nước.

Số lượng nước chỉ nên vừa đủ để rót các chén. Trà rót ra phải rót tuần tự từng chén một, mỗi lần rót sao cho đều nhau, rồi lại tuần tự quay lại rót. Như vậy nên các chén trà sẽ đều nhau, không có chén nào đậm và không có chén nào nhạt”. Tôi gật gù tâm đắc lắm với cách rót trà này bởi trước nay hễ nhà có khách thì chủ nhà thường hay rót vào chén cho khách trước, rồi sau cùng mới rót cho mình. Thì ra cách rót đó tưởng là tôn trọng khách, nhưng hóa ra lại không trọn vẹn bởi chén nước đầu thường nhạt và chén nước cuối thường đậm. Tôi cũng nhiều lần được coi là khách quý nên cứ phải uống những chén trà nhàn nhạt mà không dám nói với chủ nhân vì sợ mất lòng.

Chén trà sen Bách Diệp trong ngày đầu năm mới trôi qua thong thả. Tôi cám ơn ông Xiêm ra về, suốt quãng đường dài miệng vẫn ngọt mãi dư vị Quảng An, Tây Hồ.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ben-ho-tay-noi-chuyen-tra-sen-post602943.antd
Zalo