Trắng đêm canh giữ rừng giáng hương cổ thụ ở Gia Lai

Trắng đêm canh giữ rừng giáng hương cổ thụ trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Một cánh rừng với hơn 2.000 cây giáng hương được ví như kho vàng, đang được những cán bộ của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh ngày đêm canh giữ. Và trước sự nhòm ngó của lâm tặc, những người giữ rừng đã không ít lần phải đối mặt với hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình.

Canh giữ báu vật của đại ngàn

Sau nhiều lần lỡ hẹn, mãi đến đầu tháng 2, tôi mới có dịp trở lại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh - nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”. Và nơi đây, hơn 2.000 cây giáng hương đường kính trên 30cm đang sừng sững vươn mình giữa núi rừng. Giáng hương là chủng loại quý hiếm, thuộc nhóm I, nên được xem như báu vật của đại ngàn.

Trên chiếc xe máy đời cũ, một cán bộ gác rừng chở tôi băng qua từng con dốc cao, nằm vắt vẻo quanh sườn núi. Con đường ngược lên nơi đóng chốt càng đi càng vắng, chi chít cây bụi, dây leo. Phải hơn một tiếng đồng hồ, trải qua không ít lần “thót tim”, tôi cũng đã an toàn tới chốt canh gác rừng.

Chốt canh gác rừng nằm trên một quả đồi, bao quanh là rừng núi. Chốt rộng khoảng 10 m2, được quây bằng những tấm tôn đã cũ, xung quanh phủ bạt để tránh gió mưa. Quanh nơi đây không một bóng người vãng lai, chỉ có tiếng vượn hót, chim kêu bên những cánh rừng bạt ngàn, sâu hun hút.

Chốt bảo vệ rừng rộng khoảng 10 m2, được quây bằng những tấm tôn đã cũ, xung quanh phủ bạt để tránh gió mưa.

Chốt bảo vệ rừng rộng khoảng 10 m2, được quây bằng những tấm tôn đã cũ, xung quanh phủ bạt để tránh gió mưa.

Thấy khách ghé thăm, các cán bộ của Trạm bảo vệ rừng số 4 đon đả mời chào. Trong những cán bộ ở đây, anh Nguyễn Văn Cương (39 tuổi, quê Nghệ An) là một kiểm lâm viên gạo cội khi đã có hơn 15 năm công tác tại trạm. Nếu nói sau ngần ấy năm, anh Cương giờ đã thuộc lòng từng vạt rừng, từng con dốc nơi đây thì thiệt cũng chẳng ngoa. Nhấp ly trà còn nghi ngút khói, anh Cương chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu đến với nghề giữ rừng.

“Hồi mới vào nghề, những đêm trực ngồi một mình, nhìn bốn bề xung quanh tối đen, chỉ có tiếng lá rừng và chim thú, tôi đã ngồi khóc ngon lành như một đứa trẻ. Khi được các anh em trong tổ động viên, an ủi, tôi mới thấy mình ủy mị quá. Dần dà, nung nấu khát vọng được cống hiến và thử thách bản thân nên tôi đã kiên nhẫn ở lại với rừng. Ấy vậy mà thấm thoát cũng gắn bó với nghề này đã hơn 15 năm” - anh Cương thổ lộ.

Người đàn ông trông rắn rỏi, mạnh mẽ như thế song khi nhắc tới gia đình, anh Cương bỗng chậm lại một nhịp, đưa mắt nhìn xa xăm. Anh Cương nói rằng, đến bây giờ anh vẫn chưa ngưng trách bản thân vì đã quá đam mê công việc mà để vợ chồng phải ly tán, con gái của anh phải gửi cho ông bà chăm bẵm từ nhỏ.

“Giờ tôi chỉ biết cố gắng làm tốt nhiệm vụ, tiết kiệm tiền gửi về để cho con gái ăn học. Hiện tiền lương của tôi mỗi tháng được hơn 7 triệu đồng, gửi về cho gia đình và chi trả các chi phí quả thật là không dư. Anh em chúng tôi rất mong thời gian tới nhà nước có cơ chế chính sách tốt hơn để anh em cải thiện cuộc sống, thêm động lực làm nhiệm vụ” - anh Cương bày tỏ.

Anh Cương nấu cơm ở chốt giữ rừng. Ảnh: Hiền Mai

Anh Cương nấu cơm ở chốt giữ rừng. Ảnh: Hiền Mai

Trở về lán trại khi lưng áo còn ướt sũng mồ hôi, đôi chân mỏi nhừ sau 3 ngày đi tuần tra rừng, anh Nguyễn Minh Chinh - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4 - cho biết, nhà của anh cách chốt làm nhiệm vụ hơn 80 cây số. Ở nơi đây, sóng điện thoại lúc có lúc không, vì thế những cuộc gọi về nhà có khi đang dở câu thì lại im bặt. Song vì hiểu công việc của chồng nên vợ con anh luôn động viên anh cố gắng.

"Mỗi tháng tôi về nhà được vài ngày, có tháng thời tiết xấu phải ở lại luôn nên mọi việc trong gia đình và chăm con cái đều một tay vợ tôi quán xuyến. Để gắn bó với công việc này đòi hỏi phải đam mê và kiên nhẫn, có nhiều anh em trẻ tuổi tới đây làm việc rồi rời đi chỉ sau một tháng vì không chịu nổi áp lực. Vì ít người trụ lại được nên hiện trạm chỉ còn 9 biên chế, 2 hợp đồng" - anh Chinh chia sẻ.

Gian nan "đấu trí" với hiểm nguy

Dẫu ngày hay đêm, giữa sâu thẳm trong những cánh rừng già nơi đại ngàn, bước chân tuần tra của những người giữ rừng vẫn miệt mài để giữ cho những cánh rừng thêm xanh.

Và gắn bó với rừng suốt chừng ấy thời gian, họ đủ để cảm nhận được nỗi đau khi nhìn từng miếng gỗ bị đẽo gọt mòn, khi mỗi ngày trôi qua, tiếng chim, thú rừng lại dần ít đi. Vì thế, dù không ít lần phải đối mặt với nguy hiểm, tính mạng bị đe dọa vì những kẻ phá rừng liều lĩnh, ranh ma và sẵn sàng đổ máu để đạt được mục đích, họ vẫn dấn thân vào công cuộc giữ rừng giáng hương.

Các cán bộ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra các khu vực rừng. Ảnh: Hiền Mai

Các cán bộ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra các khu vực rừng. Ảnh: Hiền Mai

Anh Nguyễn Minh Chinh chia sẻ, vào thời điểm nhạy cảm, những người bảo vệ rừng càng phải thường xuyên tăng cường tuần tra các khu vực rừng. Để đến được các khu vực xung yếu, mỗi tổ phải khởi hành từ 5 - 6 giờ sáng, mang theo thực phẩm, nước uống đủ dùng trong vài ngày. Những người giữ rừng vượt hàng chục cây số đường rừng cheo leo, hiểm trở mới tiếp cận được các địa điểm, sau đó phân công nhau tỏa đi các hướng tuần tra, kiểm soát.

"Công tác giữ rừng vẫn còn nhiều cái khó vì gần khu sản xuất, nhiều hộ dân canh tác nương rẫy. Để khắc phục điều này, chúng tôi phải tới từng nhà, nương rẫy để tuyên truyền bà con không được khai thác, thấy ai tới phá rừng cần về báo ngay. Bên cạnh đó, trước tình hình lâm tặc ngày càng tinh vi, anh em giữ rừng phải có phương án tác chiến hiệu quả. Công việc gian nan, vất vả, có những lúc mỏi gối, chùn chân, song vì nhiệm vụ nên ai nấy đều cố gắng hoàn thành" - anh Chinh nói.

Cũng theo anh Chinh, cánh rừng còn nguyên vẹn đến giờ có công rất lớn của cộng đồng làng Tung Gút được giao khoán bảo vệ cùng. Để giữ rừng hiệu quả, có 5 tổ được giao khoán trong làng. Người lạ, lâm tặc chỉ cần bước chân vào “cửa rừng” sẽ bị người làng phát hiện, báo ngay cho trạm.

Các cán bộ bảo vệ rừng đi tuần tra rừng. Ảnh: Hiền Mai

Các cán bộ bảo vệ rừng đi tuần tra rừng. Ảnh: Hiền Mai

Ông A Ly (54 tuổi, trú làng Tung Gút, tổ trưởng tổ 2, Trạm bảo vệ rừng số 4) cho biết, ngoài tiền công được giao khoán giữ rừng, trong những buổi đi rừng ông Ly cũng có thể nhặt nhạnh ít nấm, lan, mật ong để bán kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

“Mình sinh ra ở vùng đất này nên mình có sứ mệnh phải bảo vệ những gì thuộc về nơi đây. Việc bảo vệ rừng vừa là để con cháu đời sau biết rừng giáng hương hình thù như thế nào và có giá trị ra sao, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ngày xưa ở làng có người từng nghe lời kẻ xấu để phá rừng song sau khi được tuyên truyền, cảm hóa, họ lại quay về bảo vệ rừng nên đi rừng rất giỏi”, ông Ly chia sẻ.

Trong những năm trở lại đây, dù đã có nhiều cải thiện đáng kể về vật chất cũng như tinh thần cho các trạm quản lý và các đội tuần tra bảo vệ rừng chuyên trách, nhưng so với nhiều ngành nghề khác, đời sống của anh em kiểm lâm nơi rừng sâu này còn rất nhiều khó khăn. Đã có những phút giây trạnh lòng, băn khoăn với nghề... song rồi họ lại vượt lên tất cả, bởi vẫn “nặng lòng” với rừng xanh.

Rừng giáng hương cổ thụ trong Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Hiền Mai

Rừng giáng hương cổ thụ trong Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Hiền Mai

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách TP. Pleiku khoảng 50 km; phân bố trên phạm vi ranh giới hành chính của 5 xã: Đak Roong, Krong, Kon Pne (huyện Kbang), Hà Đông (huyện Đak Đoa) và Ayun (huyện Mang Yang).

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều dãy núi có độ cao trung bình 1.200 - 1.500m, với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam; trong đó, đỉnh núi cao nhất là 1.748m so với mặt nước biển.

Theo thống kê, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 687 loài thực vật thuộc 459 chi, 140 họ. 428 loài động vật, trong đó 42 loài thú, 130 loài chim (thuộc 11 bộ, 34 họ), 51 loài bò sát, lưỡng cư; 205 loài bướm thuộc 10 họ trong bộ cánh vây.

Động thực vật ở Kon Ka Kinh có 11 loài đặc dụng, 34 loài quý hiếm, 234 loài gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế như pơmu, kim giao; 110 loài dược liệu; 38 loài làm cây cảnh; 85 loài làm thức ăn động vật.

Ngoài hệ động - thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm, nơi đây còn hấp dẫn và lôi cuốn du khách xa gần bởi khung cảnh thiên nhiên nên thơ mà hùng vỹ, với hệ thống sông, suối, thác, ghềnh… tự nhiên tuyệt đẹp.

THỰC HIỆN: HIỀN MAI

Bài và ảnh: Hiền Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trang-dem-canh-giu-rung-giang-huong-co-thu-o-gia-lai-372919.html
Zalo