Bất ổn chính trị Hàn Quốc:Nhiều khó khăn giữa 'đòn thuế' của Mỹ
Ông Lee Ju Ho đảm nhận cương vị Quyền Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc chỉ trong vòng 5 tháng, kể từ khi cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội (12-2024).
Trong bối cảnh cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ bước vào giai đoạn then chốt, việc Seoul liên tục thay đổi lãnh đạo tối cao có thể khiến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á gặp nhiều khó khăn giữa cơn sóng từ các đòn thuế của Washington.

Nền kinh tế của Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực thuế quan từ Mỹ và tình trạng trì trệ trong nước. Ảnh: Yonhap
Sáng 2-5, Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju Ho đã chính thức đảm nhận vai trò Quyền Tổng thống sau khi ông Han Duck Soo, Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc từ chức để tham gia tranh cử Tổng thống dự kiến diễn ra ngày 3-6 tới.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok cũng đã từ chức ngày 1-5 khi Quốc hội do đảng Dân chủ (DP) đối lập chiếm đa số thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu luận tội ông.
Đáng chú ý, các ông Han Duck Soo và Choi Sang Mok đều đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thuế quan với chính quyền Mỹ và đã đạt được bước tiến nhất định về một thỏa thuận thuế quan dự kiến vào tháng 7 tới. Dư luận lo ngại, sự lãnh đạo của Quyền Tổng thống Lee Ju Ho - khá mới mẻ trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại có thể ảnh hưởng đến tiến trình này.
Theo các nhà phân tích, việc Hàn Quốc mất đi các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu có thể khiến các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ kéo dài hơn dự kiến và khó có thể kết thúc một cách suôn sẻ. Thậm chí, sự thay đổi liên tục các vị trí lãnh đạo đã làm tê liệt khả năng hoạch định chính sách, khiến các quyết định kinh tế trọng yếu bị đình trệ. Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về sự thiếu ổn định, trong khi niềm tin của người dân vào chính phủ suy giảm nghiêm trọng.
Hiện tại, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc phải đối mặt với mối đe dọa kép: Áp lực thương mại từ Mỹ và tình trạng trì trệ trong nước. Thuế quan mới của Washington nhắm vào chất bán dẫn và ô tô, những trụ cột chính của kinh tế Hàn Quốc đang đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất một chiến lược kép: Tăng nhập khẩu năng lượng và hàng nông sản của Mỹ để cân bằng thương mại, đồng thời khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu trong nước tại xứ Cờ hoa. Tuy nhiên, Seoul thừa nhận không thể đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3-6 tới do hạn chế từ chính phủ tạm quyền.
Chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Victor Cha cảnh báo, việc Hàn Quốc thiếu đi một lãnh đạo được bầu cử chính thức làm suy yếu khả năng đàm phán hiệu quả với Mỹ, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump coi Hàn Quốc là mục tiêu chính trong chính sách bảo hộ thương mại.
Trong nước, niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Chỉ số Quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 4 giảm xuống 47,5 điểm, mức thấp nhất trong 31 tháng, cho thấy sự “co” lại trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt, xuất khẩu ô tô và pin - hai ngành chủ lực lần lượt giảm 13,6% và 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng won cũng mất giá mạnh, chạm mức thấp nhất trong 15 năm với tỷ giá 1.487 won đổi 1 USD, làm tăng chi phí nhập khẩu và đẩy lạm phát lên cao.
Các nhà bán lẻ như Homeplus và Balaan đã nộp đơn xin phá sản, trong khi Hyundai Duty Free đã đóng cửa các chi nhánh. Nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của xứ Kim chi năm 2025 xuống còn 2,1%. Moody’s cảnh báo, nếu tình trạng bất ổn chính trị tiếp tục, xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này sẽ bị hạ. Rõ ràng, khoảng trống lãnh đạo kéo dài không chỉ làm tê liệt bộ máy chính quyền mà còn đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.
Tuy nhiên, bất chấp sự hỗn loạn, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn giữ được sức mạnh chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Với các cam kết đầu tư phát triển AI ngang bằng với EU và Mỹ, hệ sinh thái công nghệ của Hàn Quốc có thể trở nên mạnh mẽ hơn nếu sự ổn định chính trị trở lại.
Quốc gia này đang đứng trước ngã rẽ lịch sử và cuộc bầu cử tháng 6 tới sẽ mang tính quyết định. Trong khi ban lãnh đạo tạm thời ưu tiên ổn định thị trường và chuẩn bị cho cuộc bầu cử, con đường tăng trưởng bền vững phụ thuộc vào việc Seoul giải quyết các tranh chấp thương mại, khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và thực hiện các cải cách do AI thúc đẩy.
(Theo Chosunbiz, Korea Times, Theinvestor, FT)