Thương chiến Mỹ - Trung bẻ lái kinh tế thế giới và lựa chọn của Việt Nam

Thương chiến Mỹ - Trung không chỉ là cuộc đọ sức giữa hai siêu cường mà là dấu mốc cho sự định hình lại của trật tự kinh tế toàn cầu.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS)

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS)

Thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển giao địa chiến lược và kinh tế chưa từng có tiền lệ. Kỷ nguyên toàn cầu hóa được định hình bởi thương mại tự do và các quy tắc luật lệ trong gần ba thập kỷ qua đang bị thách thức nghiêm trọng. Một trật tự kinh tế thế giới mới đang manh nha – nơi lợi ích chiến lược và quyền lực quốc gia vượt lên trên nguyên lý thị trường thuần túy.

Trong dòng xoáy đó, theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS), tâm điểm chính là cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Đây không còn đơn thuần là một cuộc đối đầu thương mại, mà cuộc đua giữa hai siêu cường kinh tế toàn cầu sẽ định hình luật chơi mới cho thế giới.

Cuộc đua giữa hai đầu tàu kinh tế và làn sóng bảo hộ

Tương quan lực lượng cho thấy quy mô GDP của Mỹ gấp gần bảy lần tổng GDP của nhóm G7, còn Trung Quốc gấp bốn lần. Điều đó cho thấy bất kỳ biến động nào ở hai đầu tàu này đều có khả năng định hình lại cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu.

Nhìn sâu vào bản chất của thương chiến, theo ông Thành, lịch sử phát triển của thế giới cho thấy bất cứ thương chiến nào cũng bắt nguồn từ sự phát triển của một siêu cường mới.

“Một siêu cường mới nổi lên tất yếu sẽ thách thức vị trí của siêu cường hiện hữu. Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thương mại chỉ được tái lập khi một bên buộc phải chấp nhận thất bại", ông Thành nhìn nhận và đặt câu hỏi, "Liệu siêu cường hiện tại của thế giới có kìm hãm đc siêu cường đang trỗi dậy hay không để định hình lại trật tự thế giới mới?"

Thế giới cần thêm thời gian để trả lời nhưng có thể thấy rõ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua và đã vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.

Mỹ đang nỗ lực xây dựng một cuộc chơi mới trên quy mô toàn cầu để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc bằng thuế quan và công nghệ. Nhưng ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng không nhún nhường.

Vẫn còn quá sớm để dự báo kết của của cuộc thương chiến cũng như những tác động mà nó mang lại đối với kinh tế thế giới, bởi còn phải chờ đợi các động thái tiếp theo, song ông Thành cho rằng, những tác động rất lớn là điều không thể phủ nhận.

Khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu, toàn diện đang ngày càng tăng cao, cùng với đó là làn sóng bảo hộ mới đầy tính bất định.

Việc hợp tác giữa các quốc gia cũng ngày càng được xem xét một cách thận trọng hơn. Thay vì vận hành dựa trên hiệu quả kinh tế, dòng vốn và thương mại sẽ ngày càng bị chuyển hướng dựa trên sự liên kết chính trị và các cân nhắc chiến lược. Hệ thống thương mại toàn cầu và nền kinh tế thế giới sẽ chịu tác động không nhỏ.

Một trong những tác động rõ nét nhất được ông Thành chỉ ra là đối với các nước xuất khẩu. Hiện nay, thuế nhập khẩu tối thiểu vào Mỹ là 10%, trong khi trước đây trung bình chỉ 3%, thậm chí đối với nhiều mặt hàng là 0%, như lò vi sóng, tủ lạnh, máy giặt của LG chịu thuế suất 0%.

Với mức thuế tối thiểu 10%, lợi nhuận của các doanh nghiệp đã bị ăn mòn đáng kể.

Đáng lo ngại hơn là câu chuyện không chỉ dừng lại ở Mỹ. Những động thái thuế quan của Mỹ đã gây nên phản ứng dây chuyền, làn sóng bảo hộ trở thành một trạng thái "bình thường mới" trên toàn cầu, lan rộng sang Trung Quốc, châu Âu, xuất hiện ngày càng dày đặc tại nhiều nền kinh tế lớn.

Nếu như vào năm 2013, các biện pháp trừng phạt thương mại, hàng rào phi thuế quan chỉ 500 biện pháp mỗi năm thì đã tăng lên 3.500 đến năm 2023. Những con số này không chỉ phản ánh cường độ của cuộc đối đầu Mỹ - Trung, mà còn là biểu hiện của một thế giới ngày càng phân mảnh.

Hệ quả là các quốc gia xuất khẩu đang phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn, thị trường kém ổn định hơn và đầy rẫy các yếu tố bất định.

Môi trường kinh doanh quốc tế đang trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với các nền kinh tế mới nổi, dựa vào xuất khẩu. Chi phí đối với hoạt động sản xuất tăng cao, lợi nhuận của các doanh nghiệp bị tổn hại.

Phần lớn các nền kinh tế phía Đông khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đều được thiết kế và vận hành theo mô hình kinh tế xuất khẩu. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các nền kinh tế này sẽ buộc phải thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nếu muốn phát triển bền vững, dài hạn.

Cùng với hàng rào thuế quan dày đặc, chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ ở ngành công nghiệp cao mà đối với tất cả các ngành nghề, cũng đang tái cấu trúc lại. Sự dịch chuyển này mang lại những thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong việc làm thế nào để có thể chen chân vào những chuỗi cung ứng đang được tái cấu trúc, hay sẽ bị bỏ lại bên lề?

Cách Trung Quốc đối phó thương chiến

Là tâm điểm của thương chiến, song theo ông Thành, Trung Quốc không bước vào cuộc đua một cách bị động và đã chuẩn bị cho cuộc xung đột này trong một thời gian dài, bao gồm cả việc đa dạng hóa hoạt động thương mại của mình khỏi phương Tây.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm 14,7% tổng số hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2024, giảm so với mức 19,2% vào năm 2018, trong khi các chuyến hàng ra nước ngoài đến các nước Đông Nam Á và các nước vành đai và con đường đã tăng lên.

Khoảng 30% hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2024 đã đến các nước giàu có thuộc nhóm G7, giảm mạnh so với mức 48% vào năm 2000. Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng tăng nhập khẩu từ các nước khác ngoài Trung Quốc.

Chưa hết, Trung Quốc còn thay đổi mạnh mẽ cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, chuyển sang các mặt hàng ít bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan.

"Tự lực cánh sinh", tự chủ có thể coi là phương châm, kim chỉ nam trong sự phát triển của Trung Quốc những năm vừa qua, ông Thành nhìn nhận.

Khi cánh cửa tiếp cận với công nghệ từ Mỹ đóng lại, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn để phát triển khoa học công nghệ trong nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, khoa học công nghệ của Trung Quốc đã rất phát triển, trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy và nâng cao năng lực sản xuất.

Một trong những yếu tố quyết định để làm được điều đó là khả năng quản lý nhà nước và ban hành chính sách thu hút người tài của quốc gia này đã có những thay đổi mang tính chiến lược. Trung Quốc từng chảy máu chất xám rất mạnh, nhưng sau đó, đã ban hành rất nhiều chính sách để thu hút nhân tài, góp phần phát triển đất nước.

Quan trọng không kém, ông Thành chỉ ra thực tế là Trung Quốc đã thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh đầu tư công, nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Lựa chọn của Việt Nam

Trước những biến động của kinh tế toàn cầu, ông Thành cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội nhưng đồng thời cũng là phép thử lớn đối với phát triển kinh tế.

Ông Thành cho rằng, đối với Việt Nam việc đa dạng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu là con đường không thể né tránh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, nâng cao sức mạnh, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.

Làm được điều này không dễ bởi thị trường trong nước còn phụ thuộc rất lớn vào an sinh xã hội, cấu trúc, quy mô và tốc độ già hóa dân số. Tương tự, để phát triển các doanh nghiệp trong nước, tăng sức mạnh "nội sinh" của nền kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều giải pháp đồng bộ, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Đây là một quá trình rất dài. Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện từ 20 - 30 năm trước. Còn với Việt Nam, thành công hay không sẽ phụ thuộc vào tốc độ cải cách thể chế, khả năng phát triển công nghệ nội sinh và đặc biệt là cách Việt Nam dự báo và định vị mình trong trật tự thế giới mới đang dần hình thành.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thuong-chien-my--trung-be-lai-kinh-te-the-gioi-va-lua-chon-cua-viet-nam-d39964.html
Zalo