Tổng tài sản ngân hàng quý 1/2025: Big4 thống trị, ngân hàng tư nhân bứt phá

Quý 1/2025, hệ thống ngân hàng Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về tổng tài sản, nhóm Big 4 vẫn giữ vững vị thế. Trong khi đó, các ngân hàng cổ phần tư nhân như VPBank và Techcombank cũng có bước tiến rõ rệt, tạo nên sự phân hóa rõ nét trong ngành.

BIDV tiếp tục đứng đầu về tổng tài sản trong quý 1/2025. Ảnh: BIDV

BIDV tiếp tục đứng đầu về tổng tài sản trong quý 1/2025. Ảnh: BIDV

Trong quý 1/2025, hệ thống ngân hàng Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về tổng tài sản, phản ánh xu hướng mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng đã công bố (ngoại trừ Agribank), tổng tài sản toàn ngành tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với cuối năm 2024.

Nhóm Big4 ngân hàng - gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank tiếp tục giữ vững Top 3 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam với tổng tài sản hợp nhất vượt 7,42 triệu tỷ đồng. Dẫn đầu là BIDV với quy mô tài sản đạt hơn 2,85 triệu tỷ đồng, tăng 3,45% so với đầu năm. Tăng trưởng này đến từ nhiều trụ cột: dư nợ cho vay đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng (tăng 2,5%), tiền gửi khách hàng xấp xỉ 1,98 triệu tỷ đồng (tăng 1,2%), trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được đẩy lên thêm gần 1,6%.

Đứng ở vị trí thứ hai là VietinBank với tổng tài sản đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với cuối năm 2024. Dư nợ cho vay của ngân hàng này cũng tăng trưởng ấn tượng gần 4%, lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng xấp xỉ 1,4 triệu tỷ đồng.

Vietcombank tiếp tục giữ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng với tổng tài sản đạt trên 1,97 triệu tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm. Trong quý 1/2025, ngân hàng này ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 2,8%, còn tiền gửi khách hàng đạt mức gần 1,56 triệu tỷ đồng.

Không chỉ nhóm Big4, các ngân hàng cổ phần tư nhân cũng đang ghi dấu ấn rõ nét trong cuộc đua mở rộng quy mô. VPBankTechcombank hiện tiệm cận mốc một triệu tỷ đồng tài sản, với tổng tài sản lần lượt đạt hơn 994.000 tỷ đồng và gần 990.000 tỷ đồng trong quý 1/2025. Đáng chú ý, VPBank có mức tăng trưởng tài sản mạnh hơn với 8% so với đầu năm, trong khi Techcombank tăng khiêm tốn hơn 1%, phản ánh chiến lược tăng trưởng linh hoạt giữa hai ngân hàng.

Ở nhóm tiếp theo, ACB, SHB, Sacombank và HDBank đều vượt ngưỡng 700.000 tỷ đồng tài sản sau 3 tháng đầu năm. ACB đạt gần 789.000 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2024; SHB tiến sát 788.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng gần 4%; Sacombank ghi nhận hơn 766.000 tỷ đồng; còn HDBank chạm mốc 732.000 tỷ đồng.

Bức tranh tài sản quý 1/2025 cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng trong hệ thống. Một số nhà băng ghi dấu ấn mạnh mẽ như NCB với mức tăng hơn 10% so với đầu năm - nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành. VietABank cũng cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng 8%, trong khi Nam A Bank và VietBank cùng ghi nhận mức tăng 7% so với cuối năm 2024.

Ở chiều ngược lại, vẫn có những ngân hàng tạm chững lại trong quý đầu năm. TPBank là đơn vị sụt giảm mạnh nhất với mức giảm 7% tổng tài sản còn 388.891 tỷ đồng, trong khi MSB và LPBank cũng giảm gần 2%, lần lượt còn 314.727 tỷ đồng và 499.895 tỷ đồng.

Mức tăng tổng tài sản nhìn chung có mối liên hệ chặt chẽ với tốc độ giải ngân tín dụng – yếu tố cốt lõi thúc đẩy quy mô bảng cân đối. Những ngân hàng có dư địa và khả năng tăng trưởng tín dụng tốt thường đi kèm với quy mô tài sản được mở rộng tương ứng.

Trong khi đó, ba ngân hàng có quy mô tài sản khiêm tốn nhất hệ thống hiện nay là Kienlongbank với hơn 97.000 tỷ đồng, PGBank với hơn 73.000 tỷ đồng và Saigonbank với chỉ 33.500 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm nhà băng thường xuất hiện ở nhóm cuối bảng về nhiều chỉ tiêu kinh doanh.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/to-ng-ta-i-sa-n-ngan-ha-ng-quy-12025-big4-thong-tri-ngan-hang-tu-nhan-but-pha-41096.html
Zalo