Bảo vệ người lao động không rơi vào đói nghèo

Thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, người lao động mất việc làm gia tăng trong những tháng đầu năm nay đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2023, số lao động bị mất việc lên tới gần 280.000 người và hiện tại có hơn 8.600 doanh nghiệp tại Việt Nam phải cắt giảm lao động.

Theo thống kê, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2023, số lao động bị mất việc lên tới gần 280.000 người. Trong khi số lao động bị giảm giờ làm khoảng 195.000 người, trong đó, hơn 17.000 người phải nghỉ việc không lương và hơn 8.300 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động.

Tính tới thời điểm hiện đại, có hơn 8.600 doanh nghiệp tại Việt Nam phải cắt giảm lao động, trong đó hơn 27% là doanh nghiệp FDI, 72,2% doanh nghiệp ngoài nhà nước và 0,4% là doanh nghiệp nhà nước. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất và lắp ráp các linh kiện điện tử.

Dệt may là lĩnh vực có nhiều lao động bị mất việc và giảm giờ làm

Dệt may là lĩnh vực có nhiều lao động bị mất việc và giảm giờ làm

“Diễn biến của thị trường lao động đang tập trung vào một số ngành mà thâm dụng lao động như: Dệt may, da giầy, chế biến gỗ, sản xuất và lắp ráp các linh kiện điện tử. Ngành dệt may và da giầy, đa số người lao động có mức lương khá thấp và cũng tương tự như vậy đối với ngành chế biến gỗ, điều này gây ra nhiều khó khăn cho người lao động. Trong đó, có cả lao động chính thức và phi chính thức, ví dụ có nhiều dịch vụ phi chính thức xung quanh doanh nghiệp và nhà máy như: Người bán hàng, cung cấp thức ăn, thực phẩm hay đi lại”, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết.

Dự báo làn sóng sa thải lao động sẽ còn tiếp diễn từ nay đến cuối năm. Thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, người lao động mất việc làm gia tăng đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Thậm chí nhiều người lo ngại, khi tình trạng thiếu việc làm ngày càng trầm trọng hơn, có thể là nguyên nhân gây ra các hệ lụy cho xã hội như: bạo lực, bỏ học, tệ nạn xã hội.

Tính tới thời điểm hiện đại, có hơn 8.600 doanh nghiệp tại Việt Nam phải cắt giảm lao động (Ảnh minh họa)

Tính tới thời điểm hiện đại, có hơn 8.600 doanh nghiệp tại Việt Nam phải cắt giảm lao động (Ảnh minh họa)

Để phòng ngừa vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hương cho rằng: “Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tất cả các quốc gia cần có hệ thống an sinh xã hội đa tầng. Tức là tất cả người dân được bảo vệ bởi hệ thống an sinh xã hội đó và trong suốt vòng đời, từ khi sinh ra đến khi chết đi. Đây là lưới để bảo vệ tất cả mọi người, bao gồm lao động chính thức, phi chính thức, người già và trẻ em, thì khi bất cứ có cú sốc nào về kinh tế xã hội mang tính diện rộng hay là hộ cá nhân trong hộ gia đình, họ được bảo vệ để không rơi vào đói nghèo và cũng quẫn. Điều đó rất cần thiết. Bên cạnh chính sách an sinh xã hội, thì chính sách tiền lương cũng rất quan trọng”.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-lao-dong-khong-roi-vao-doi-ngheo-post1035877.vov
Zalo