Nông dân đổi đời nhờ thuần hóa 'thủy quái' sông Sêrêpôk
Việc thuần hóa thành công cá lăng đuôi đỏ, một loài đặc trưng của sông Sêrêpôk, không chỉ giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Hành trình bảo tồn loài cá quý
Cá lăng đuôi đỏ, một sản vật quý giá, được mệnh danh là "thủy quái" nổi tiếng của sông Sêrêpôk – dòng sông chảy ngược độc đáo của đại ngàn Tây Nguyên. Theo những người dân sống quanh khu vực, loài cá này chỉ sinh sống ở những khúc sông sâu, nơi nước chảy xiết và có nhiều thác ghềnh.
Trước đây, cá lăng đuôi đỏ xuất hiện rất nhiều trên sông Sêrêpôk, với không ít con có trọng lượng gần 100kg. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng đã khiến loài cá này trở thành mục tiêu săn lùng ráo riết bằng nhiều hình thức như thả lưới, câu, thậm chí sử dụng lưới điện.
Đồng thời, môi trường nước trên sông cũng không còn được trong lành như trước. Vì vậy, số lượng cá lăng đuôi đỏ xuất hiện trên sông Sêrêpôk giảm đáng kể và có nguy cơ cạn kiệt.
Trước thực trạng trên, năm 2005, một số người dân xã Hòa Phú đã quyết tâm hành động, đưa cá lăng đuôi đỏ vượt sông Sêrêpôk về nuôi trong ao hồ nước tĩnh. Ông Hoàng Quốc Bài (SN 1964, trú tại thôn 5, xã Hòa Phú, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những người đầu tiên thực hiện hành trình thuần hóa loài "thủy quái" của dòng sông chảy ngược.
Theo đó, gia đình ông Bài đã mua cá giống từ những người đi câu với giá từ 10-15.000 đồng mỗi con cá lăng đuôi đỏ, rồi mang về thả vào ao để nuôi. Sau khoảng một năm, ông thở phào nhẹ nhõm khi nhận thấy loài cá quý này phát triển rất tốt trong môi trường nước tĩnh. Những con cá lăng nhỏ bé ban đầu đã tăng cân lên đến 1-2kg/con.
"Trong quá trình chăn nuôi, tôi nhận thấy cá lăng đuôi đỏ rất dễ nuôi nhờ vào khả năng kháng bệnh tốt và ít bị bệnh, rất phù hợp với khí hậu địa phương, đặc biệt là tốn ít công chăm sóc. Thời gian đầu, cá lớn chậm, nhưng đến năm thứ 2, tốc độ phát triển của cá rất ấn tượng, với trọng lượng đạt từ 2-3 kg mỗi con", ông Bài chia sẻ.
Cũng theo ông Bài, loài cá này có chế độ ăn tạp, chủ yếu là các loại động vật nhỏ như lòng tong, tôm tép, giun, cua.... Gia đình ông còn mua lòng gà, heo chết từ các trang trại về nấu cho cá ăn để tăng lượng đạm và dinh dưỡng. Nhờ vậy, cá sinh trưởng và phát triển rất nhanh.
Nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi cá lăng đuôi đỏ, gia đình ông không ngừng mở rộng diện tích ao hồ, với tổng diện tích khoảng 1ha.
Sau khoảng 24 tháng thả cá lăng đuôi đỏ xuống ao nuôi, gia đình ông bắt đầu thu hoạch, lúc này cá đạt trọng lượng từ 3kg trở lên. Theo ông Bài, cá lăng nuôi càng lâu thì trọng lượng càng lớn và chất lượng thịt càng ngon.
Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch từ 6-7 tạ cá lăng đuôi đỏ, bán với giá hiện tại từ 320.000 đến 350.000 đồng/kg, tùy thuộc vào kích thước cá. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và chăm sóc, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng mỗi năm từ việc nuôi cá lăng đuôi đỏ. Với nguồn thu nhập này, không chỉ giúp gia đình cải thiện cuộc sống mà còn là có nguồn kinh phí để nuôi 3 con học đại học.
Tiếp tục nâng tầm giá trị đặc sản cá lăng Sêrêpôk
Từ thành công ban đầu của gia đình ông Bài, nhiều hộ dân ở xã Hòa Phú đã mạnh dạn đầu tư, đưa giống cá lăng đuôi đỏ làm vật nuôi chính trong ao, hồ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú Xanh được thành lập, trong đó có nhiều hộ nuôi cá lăng đuôi đỏ tham gia liên kết.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để trao nông dân trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu cá lăng đuôi đỏ và có đầu ra ổn định.
Là một thành viên của hợp tác xã, gia đình anh Lê Văn Kiên (SN 1985, trú tại thôn 5, xã Hòa Phú) nổi bật với diện tích hồ nuôi cá lăng lớn nhất xã.
Anh Kiên chia sẻ: "Nhận thấy việc nuôi cá lăng đuôi đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại nhàn hơn các lĩnh vực nông nghiệp khác nên năm 2021, gia đình tôi bắt đầu đào ao để nuôi loại cá này. Đến nay, gia đình tôi đã có tổng cộng 5 hồ, với diện tích gần 1,5ha".
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho cá, anh Kiên thường đặt mua thức ăn thừa từ các nhà hàng trong khu vực theo tháng. Thêm vào đó, anh còn thu mua gà chết từ các trang trại, mang về làm sạch rồi nấu cho cá ăn.
Anh Kiên còn thiết kế hệ thống đường ống để duy trì lượng nước ra vào hồ thường xuyên. "Lượng nước trong hồ càng sâu thì cá lớn càng nhanh. Do đó, tôi luôn giữ mức nước trong hồ ổn định quanh năm", anh Kiên chia sẻ thêm.
Năm 2022, gia đình anh bắt đầu thu hoạch cá lăng đuôi đỏ để bán. Từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình anh đã xuất bán khoảng hơn 300 con cá lăng đuôi đỏ, với tổng sản lượng hơn 1 tấn. Nhờ chăm chỉ, chịu khó đã giúp gia đình anh thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ.
Theo anh Kiên, vào các dịp lễ, Tết, việc tiêu thụ cá lăng thường đạt sản lượng cao hơn so với những ngày thường. Do đó, hiện anh đã chuẩn bị gần 1 tấn cá lăng đuôi đỏ để cung cấp cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Bên cạnh những thuận lợi, việc nuôi cá lăng đuôi đỏ cũng không thiếu những khó khăn. Theo ông Hoàng Quốc Bài, do ảnh hưởng của môi trường nước và việc khai thác, lượng cá lăng đuôi đỏ ngày càng ít đi. Do đó, giá cá giống hiện nay cũng rất cao.
"Nếu như trước đây, chúng tôi mua cá giống với giá 80.000 đồng/kg, thì hiện nay giá đã tăng lên đến 350.000 đồng/kg, tương đương 60-70.000 đồng/con", ông Bài nói.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, thời gian qua, bên cạnh hoạt động đánh bắt truyền thống, hơn 10 hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư đào ao, hồ với tổng diện tích hơn 10ha để nuôi cá lăng đuôi đỏ, sử dụng giống tự nhiên từ sông Sêrêpôk. Hàng năm, người dân trên địa bàn đã cung cấp cho thị trường hàng chục tấn cá lăng, nhưng sản lượng này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn cải thiện đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Trên địa bàn xã, hiện đã có hai doanh nghiệp đăng ký chế biến các sản phẩm từ cá lăng đuôi đỏ. Trong đó, Công ty TNHH TMDV Mỹ Lan Tây Nguyên đã đăng ký OCOP 3 sao cho sản phẩm cá lăng đuôi đỏ và được công nhận năm 2024.
Để tiếp tục nâng tầm giá trị đặc sản cá lăng Sêrêpôk, xã Hòa Phú đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, kết hợp với du lịch cộng đồng trải nghiệm. Mô hình này được áp dụng vào Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Phú Xanh, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và thu hút du khách đến với địa phương.
UBND xã cũng đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp tại xã Hòa Khánh (Tp.Buôn Ma Thuột), nhằm hỗ trợ giống cá lăng đuôi đỏ cho 6 hộ dân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng.