Báo quốc tế đánh giá tiềm năng phát triển thị trường giày dép ở Việt Nam
Theo trang Vietnam Briefing, thị trường giày dép Việt Nam đang trên đà tăng trưởng bởi số lượng khách hàng ngày càng mở rộng cũng như sở thích thay đổi của người tiêu dùng.
Tầng lớp trung lưu tăng nhanh
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu gia tăng, các thương hiệu giày dép trong nước và quốc tế hiện đang nắm bắt những cơ hội mới.
Theo dự báo của ngân hàng HSBC, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới, vượt qua các quốc gia như Đức và Anh vào năm 2030.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng dự báo người dân Việt Nam có thu nhập trên 20 USD/ngày sẽ tăng đáng kể từ năm 2021 đến năm 2030.
Các dự báo cũng cho thấy đến năm 2040, hơn 1/2 dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại các khu vực thành thị. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi quá trình mở rộng các khu vực đô thị lớn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu vực lân cận khác.
Hơn nữa, theo Vietnam Briefing, so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã ghi nhận suy giảm đáng kể về số lượng người dân sống ở các khu ổ chuột.
Đô thị hóa đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân, mở rộng tầng lớp trung lưu đồng thời gia tăng số lượng người tiêu dùng có khả năng chi trả, mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn tại Việt Nam.
Ngoài số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng, Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về tầng lớp trung lưu.
Theo công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, tầng lớp người tiêu dùng ở Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng và chuyển đổi nhanh chóng kể từ năm 2020. Nhóm người tiêu dùng cao cấp, ước tính chi tiêu hơn 30 đô la Mỹ mỗi ngày, cũng được dự báo sẽ tăng trưởng.
Thị trường giày dép Việt Nam
Gần đây, thị trường giày dép Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng bởi chi phí lao động thấp, lực lượng lao động lành nghề và các hiệp định thương mại thuận lợi. Đến cuối năm 2021, ước tính khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất giày dép đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2024, doanh thu của thị trường này dự kiến đạt 2,35 tỷ đô la Mỹ. Và với mức tăng dự kiến 2,5%, tổng doanh thu của thị trường giày dép sẽ là 2,49 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Đến năm 2028, con số này dự kiến tiếp tục tăng lên 2,92 tỷ đô la Mỹ, phản ánh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,58% trong giai đoạn 2024-2028.
Thị trường giày dép Việt Nam chủ yếu là phân khúc giày dép dệt may, tiếp đến là giày da và giày thể thao.
Thị trường giày dép Việt Nam cũng được chia thành ba loại: thương hiệu địa phương, thương hiệu quốc tế và giày dép không có thương hiệu. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu địa phương và toàn cầu khiến cả hai bên đều tập trung vào việc nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và theo kịp xu hướng thị trường để thu hút nhiều đối tượng hơn.
Các thương hiệu trong nước nổi bật bao gồm Bitis, Juno, Vina Shoes, Vascara và VinaGiay. Trong khi đó, các thương hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, như Nike, Adidas, Acis, Jordan, ALDO và Converse, cũng thu hút người tiêu dùng tìm kiếm sự uy tín, thiết kế đặc biệt và chất lượng vượt trội, với sự sẵn sàng trả giá từ trung bình đến cao cho giày dép.
Ngoài ra, giày dép không có thương hiệu hiện vẫn phục vụ cho những khách hàng ưa chuộng thời trang nhanh và mua sắm thường xuyên.
Xu hướng về sở thích của người tiêu dùng Việt Nam
Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm bền vững nhiều hơn, thị phần giày dép bền vững đã ghi nhận mức tăng từ 2,3% vào năm 2018 lên 3,4% vào năm 2024, với dự kiến sẽ đạt 4% vào năm 2026.
Trên cơ sở đó, theo Vietnam Briefing, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi cơ sở người tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng.
Những tác động kết hợp của quá trình đô thị hóa ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh đang tạo ra nhiều cơ hội có giá trị. Sức tiêu dùng ngày càng tăng cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các khoản đầu tư trong tương lai và mở rộng thị trường.
Cụ thể, tại thị trường giày dép Việt Nam, doanh thu đã tăng đáng kể, với dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và sức mua ngày càng tăng cũng tạo ra những cơ hội đáng kể cho các thương hiệu quốc tế và chất lượng cao.
Tuy nhiên, để đáp ứng sở thích đang thay đổi của người tiêu dùng, các thương hiệu cũng nên cân nhắc đến các dòng sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thương hiệu trong nước cũng phải duy trì khả năng cạnh tranh bằng cách tăng cường hiện diện, tập trung vào các thiết kế sáng tạo, cải thiện chất lượng sản phẩm và xây dựng nhận diện thương hiệu mạnh mẽ để cạnh tranh với các nước. /.