Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả trên chợ mạng

Ngày 12/11, tại hội thảo 'Chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ', nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ áp dụng phương thức chống hàng giả kiểu cũ, sẽ mang rủi ro cho người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường - Tổng Cục Quản lý thị trường cho rằng, trong những năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã có những bước tăng tốc mạnh mẽ. Nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid 19, Việt Nam trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán nhiều trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Hàng giả trên TMĐT ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng nhận định, hiện nay mặt hàng nào cũng bị làm giả và bán rất nhiều trên TMĐT với giá cực rẻ. Để không bị "tiền mất, tật mang", trước hết người tiêu dùng cũng phải bảo vệ chính mình bằng cách lựa chọn nhà bán hàng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.... Nếu sản phẩm nào không truy xuất được nguồn gốc có thể hàng hóa đó là giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, chuyên gia trong lĩnh vực chống hàng giả cho rằng, nhiều sản phẩm đang bị làm giả từ mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng.

Ông Hồng đề xuất các giải pháp như: đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chống giả bằng việc tích hợp QR code truy xuất nguồn gốc với công nghệ chống giả & các công nghệ chống giả trên bao bì.

Doanh nghiệp đang vất vả phòng chống hàng giả trên nhiều kênh khác nhau, cả truyền thống lẫn TMĐT.

Doanh nghiệp đang vất vả phòng chống hàng giả trên nhiều kênh khác nhau, cả truyền thống lẫn TMĐT.

Theo ông Hồng, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc cảnh báo hàng giả trên các phương tiện thông tin để giúp người tiêu dung dễ dàng nhận diện, phân biệt và mua đúng sản phẩm thật. Doanh nghiệp nên công bố số hotline để tiếp nhận nhanh các phản ánh của người tiêu dùng về hàng giả.

Nói về công nghệ phòng chống hàng giả trên TMĐT, TS Trần Quý - Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam chia sẻ công nghệ Enterprise Blockchain.

Cụ thể, công nghệ này sẽ giúp tuân thủ, phù hợp cho môi trường doanh nghiệp; nền tảng hợp đồng thông minh giúp các bên tin tưởng nhau mà không cần trung gian xác thực, làm chứng. Đây là chìa khóa quan trọng để chống hàng giả và bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ.

Dự báo năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực TMĐT sẽ đạt 39 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-dung-cong-nghe-so-de-chong-hang-gia-tren-cho-mang-10294323.html
Zalo