Phải gỡ vướng về thể chế, mới đạt được mục tiêu 100 năm đã đề ra
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Cuối phiên chất vấn vào chiều nay - 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và nhiều văn bản khác. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội quan tâm; đồng thời cập nhật một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5% để cả năm đạt trên 7%. Qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024 do Quốc hội đề ra, tạo đà thực hiện kế hoạch năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội giải ngân còn chậm. Phân tích một số nguyên nhân, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, với tinh thần 5 quyết tâm, 5 đảm bảo, phấn đấu năm 2024 giải ngân vốn đầu tư công trên 95%.
Trong đó, tập trung vào một số nhóm giải pháp: Đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong Kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; thủ tục đất đai nguồn cung vật liệu…; Có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân, trên tinh thần chỗ ở mới ít nhất bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ; Chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án đảm bảo khả thi hơn, hiệu quả hơn, kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn; Tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần 5 rõ.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết “Chống lãng phí”.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật; Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…, xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Thủ tướng Chính phủ cũng báo cáo trước Quốc hội những giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài; giải pháp về thúc đẩy chuyển đổi số; về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở Trung ương.
Đưa ra giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại thể chế, các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp, phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
Đối với câu hỏi về cải cách thể chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Đối với việc xóa nhà tạm, nhà dột, Thủ tướng cho rằng, đây là chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo. Với quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Ngoài ra, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Về huy động nguồn lực, cần đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng Quân đội và Công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này.
Trả lời câu hỏi về giải pháp căn cơ, dài hạn để phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, ta cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện. Chúng ta cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.