Tin tức kinh tế ngày 12/11: nợ xấu có xu hướng tăng
Giá vàng giảm hơn một triệu đồng mỗi lượng; nợ xấu có xu hướng tăng; xuất khẩu thủy sản trên đường về đích 10 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 12/11.
Nợ xấu có xu hướng tăng
Số liệu Ngân hàng Nhà nước tổng hợp cho thấy, đến cuối tháng 9/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tương tự gần bằng mức của cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian vừa qua tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Đây là một thực tế, bởi vì từ năm 2020 đến nay, trước tình trạng Covid-19 xảy ra tác động rất nghiêm trọng đối với mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội, theo đó doanh nghiệp và người dân rất khó khăn.
Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu của mình cho nên rất khó khăn trong khả năng trả nợ, nợ xấu này chính là các khoản nợ của người dân vay của ngân hàng và không trả được cho nên được theo dõi ở bảng cân đối của các tổ chức tín dụng.
Để kiểm soát nợ xấu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, các tổ chức tín dụng khi cho vay cần phải thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay để đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.
Giá vàng giảm hơn 1 triệu đồng mỗi lượng
Giá vàng thế giới trong ngày 12/11 giao ngay ở mức 2.597,91 USD/ounce, giảm 0,9% so với phiên trước.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 12/11, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 80,6 – 84,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng miếng DOJI niêm yết ở mức 80,6 – 84,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn trơn tại SJC niêm yết giá nhẫn trơn 80,1 - 82,6 triệu đồng, giảm 1,7 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Tại PNJ niêm yết giá nhẫn trơn 81,2 - 82,8 triệu đồng, giảm tới 2,4 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua so với chốt phiên chiều qua.
Xuất khẩu dệt may dồi dào đơn hàng
Nhờ đơn hàng khởi sắc, xuất khẩu của ngành dệt may dần đi vào ổn định sau năm 2023 nhiều khủng hoảng. Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2024, dệt may đứng thứ 4 trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với 30.6 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định: mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của ngành dệt may năm 2024 rất khả thi bởi cuối năm là cao điểm cho đơn hàng sản xuất mùa lễ hội Giáng sinh, năm mới.
Dù bức tranh xuất khẩu khá sáng, song doanh nghiệp vẫn cần cẩn trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trong suốt 30 tháng trở lại đây. Các doanh nghiệp cần quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro nhằm hoàn thành kế hoạch năm và đón bắt xu hướng năm 2025.
Các "ông lớn" công nghệ nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế
Thông tin từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng thêm 5 đơn vị so với lần cập nhật cuối tháng trước. Các nhà cung cấp này bao gồm những tên tuổi lớn như: Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...
Tính đến đầu tháng 10, các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2023. Từ khi cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài đi vào hoạt động vào tháng 3/2022, số thuế lũy kế từ các doanh nghiệp này đã đạt 20.174 tỷ đồng.
Xuất khẩu thủy sản sắp về đích 10 tỷ USD
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 8,27 tỷ USD. Trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu, các doanh nghiệp trong ngành đang rất tự tin với mục tiêu 10 tỷ USD, đặc biệt khi dịp cao điểm cuối năm đang đến gần.
Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng thu được khoảng 1,8 tỷ USD thì ngành thủy sản sẽ đạt được kế hoạch 10 tỷ USD năm 2024.
VASEP cũng nhận định ngoài những thách thức về thuế và quy định từ các thị trường lớn, ngành thủy sản cần tiếp tục nỗ lực cải thiện chất lượng và đa dạng hóa thị trường. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả ở thị trường truyền thống và nắm bắt cơ hội từ các thị trường mới nổi như Nam Mỹ, Trung Đông…