10 tháng: Hơn 130.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 10 tháng năm 2024 là 130.640 lao động, đạt 104% kế hoạch năm. Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục là 3 thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam sang làm việc.

Cụ thể, trong 10 tháng, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, với hơn 62.700 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) hơn 48.500 lao động, Hàn Quốc hơn 10.800 người, Trung Quốc 1.920 lao động, Singapore hơn 1.770 lao động, Romania hơn 820 lao động và các thị trường khác. Riêng trong tháng 10, đã có hơn 16.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc

Lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, song chỉ trong 10 tháng đã vượt kế hoạch. Con số hơn 130.600 lao động xuất cảnh trong vòng 10 tháng được xem là mốc kỷ lục mới khi còn 2 tháng nữa mới khép lại năm 2024.

Lao động Việt Nam ở nước ngoài làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ, với điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt và chế độ phúc lợi đầy đủ. Ngoài các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, Bộ LĐTBXH đang thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng, tạo cơ hội mới cho người lao động khi lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài. Tháng 9 vừa qua, Bộ LĐTBXH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa hai nước. Theo chương trình, Chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia tại cùng một thời điểm.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết: "Theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ thì phía người sử dụng lao động sẽ chi trả tối thiểu 300 đô tiền vé máy bay. Còn người lao động không phải trả chi phí dịch vụ cho các doanh nghiệp phái cử. Về điều kiện làm việc thì người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi hay hoa quả và điều kiện làm việc nói chung như người Australia và mức lương tính theo lương Tuần là 915 đô/tuần fulltime tính tháng ra cũng là mức lương tương đối cao so với các trường khác. Còn các điều khiển khác hai bên đã đưa vàp một thỏa thuận và thống nhất về điều kiện lao động cho người lao động Việt Nam giống như người Australia. Như vậy người lao động đạt được phúc lợi tương đối cao".

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Ông Phạm Viết Hương, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết thêm: "Ngoài 3 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) chúng ta đang tiếp tục mở rộng các thị trường khác, đặc biệt là các nước châu Âu. Các nước Châu Âu điều kiện làm việc và thu nhập khá. Hiện nay, chúng ta đang thúc đẩy lao động sang Đức hay Hy Lạp hai bên cũng đang đàm phán, thúc đẩy, một số nước đã tiếp nhận lao động như Hungari và Rumani. Ngoài các thị trường đó, các doanh nghiệp cũng đang tiếp cận thị trường Tây Ban Nha, Phần Lan... Các nước già hóa dân số có xu hướng tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam".

Theo thống kê, hiện hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Lao động làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập cao nhất, từ 1.500 đến 2.000 USD; tiếp theo là Nhật Bản 1.200 đến 1.500 USD; Đài Loan từ 800 đến 1.200 USD. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, dao động 600 đến 1.000 USD đối với lao động có tay nghề và 400 đến 600 USD với lao động phổ thông.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/10-thang-hon-130600-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post1135013.vov
Zalo