Bàn cách quảng bá sách Việt tại Hội sách Frankfurt
Bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt, có buổi gặp gỡ và làm việc với đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vào sáng 29/4.

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi (trái) trò chuyện cùng Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt Claudia Kaiser (phải) và Giám đốc Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Yến.
Tiếp đón bà Kaiser trong không khí kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi cho biết nhân dịp này thành phố có nhiều hoạt động khuyến đọc, lan tỏa văn hóa đọc. Trong đó nổi bật là sự kiện khánh thành, khởi công các đường sách không gian sách mới, góp phần kiến tạo hệ trục không gian văn hóa đọc theo tọa độ đông - tây - nam - bắc lấy Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) làm trung tâm.
Dù gặp khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19, nhưng thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung đã nỗ lực khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng; do đó hoạt động xuất bản tuy chịu ảnh hưởng song cũng đã hồi phục, ghi nhận những thành quả tích cực như số bản sách trên đầu người tăng; sách nói, sách điện tử phát triển, theo chia sẻ của ông Trịnh Hữu Anh, Trường phòng Báo chí - Xuất bản Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.
Sắp tới, khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM sẽ mở rộng địa giới và nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa hơn nữa. Trong đó, xuất bản giữ vai trò quan trọng, nhất là khi TP.HCM hướng đến định vị hình ảnh thành phố của khoa học, văn hóa và tri thức.
Bà Kaiser chia sẻ niềm vui vì được tiếp đón đoàn TP.HCM tham dự Hội sách Frankfurt năm 2024. Năm 2025, Hội sách Frankfurt đặt trọng tâm vào xuất bản châu Á, trong đó Khách mời Danh dự (Guest of Honor) là Philippines. Đây là lần thứ hai một quốc gia Đông Nam Á trở thành Khách mời Danh dự, tròn 10 năm kể từ vinh dự của Indonesia vào năm 2015.
Bà chia sẻ ban tổ chức Hội sách sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tham dự, từ việc đăng ký, tìm hiểu thông tin cho đến bày trí, giao lưu tại sự kiện. "Frankfurt không chỉ là một hội sách mà là một tổ chức văn hóa, với nỗ lực đưa các quốc gia, cộng đồng, nhà xuất bản, tác giả khắp nơi trên thế giới đến gần nhau hơn", bà nói.
Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt cũng thẳng thắn nhận định rằng không riêng gì Việt Nam mà nhiều nền xuất bản có thể gặp khó khăn trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Do đó, bà kỳ vọng được biết thêm về tình hình xuất bản của Việt Nam để có những góp ý, đề xuất phù hợp.
Bà Kaiser cũng mong muốn xuất bản Việt Nam, sách và tác giả Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn: "Trong thế giới bận rộn ngày nay, rất nhiều yếu tố chi phối; do đó khó lòng để quốc tế tự tìm đến, mà chúng ta phải chủ động quảng bá, giới thiệu, phải tự tìm kiếm cơ hội để nắm lấy", bà nói.
Với khao khát "mang bản sắc Việt Nam ra thế giới thông qua hội sách", đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết thành phố kỳ vọng tiếp tục được góp mặt tại Hội sách Frankfurt những năm sắp tới và có thể trở thành Khách mời Danh dự khi hội đủ điều kiện. Ngoài ra, nhân kỷ niệm 50 lấy tên Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7/2026, thành phố dự kiến tổ chức hội sách quốc tế.
Hội sách Frankfurt có truyền thống hơn 500 năm, là hội sách có quy mô lớn nhất trên thế giới. Sự kiện thường niên này kéo dài 5 ngày vào giữa tháng 10, tổ chức tại khuôn viên Hội chợ thương mại Frankfurt ở TP Frankfurt, Đức. Ba ngày đầu tiên của hội sách chỉ dành riêng cho giới làm xuất bản; 2 ngày cuối tuần hội chợ mở cửa chào đón công chúng.
Ngoài trưng bày, triển lãm, tại hội sách diễn ra các hoạt động giao lưu, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến xuất bản như bản quyền, in ấn, phát hành, các xu hướng công nghệ trong xuất bản... Để trở thành Khách mời Danh dự tại Hội sách Frankfurt đòi hỏi nhiều nỗ lực đàm phán phức tạp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Song đây cũng là cơ hội rất tốt để quảng bá, gia tăng vị thế của nền xuất bản của nước nhà trên quốc tế.