Xúc tiến thương mại - Cú hích làm mới thương hiệu Cam Cao Phong

Giữa bạt ngàn đồi Mường, cam Cao Phong không chỉ là sản vật trứ danh mà còn là tâm huyết địa phương trong hành trình định danh và khơi mở thị trường.

Sức sống từ vùng đất đá vôi

Từ những triền đồi uốn lượn nơi nẻo cao Tây Bắc, giữa làn sương sớm mỏng tang như chiếc khăn voan của núi rừng, cam Cao Phong hiện lên như một biểu tượng đầy kiêu hãnh của Hòa Bình, vùng đất được thiên nhiên ân tứ cho chất đất bazan xen đá vôi, khí hậu ôn hòa, nắng nhẹ và mưa vừa. Trong sự hòa quyện kỳ diệu ấy, trái cam nơi đây kết tinh thành thứ ngọt lành óng ả, vỏ mỏng như nhung, múi mọng căng tràn sức sống mang trong mình cả hồn cốt và phong vị của núi non miền Bắc.

Không phải ngẫu nhiên mà cam Cao Phong từng được mệnh danh là “vàng cam” của xứ Bắc, có thời điểm được săn đón nồng nhiệt, giá bán cao gấp nhiều lần so với các giống cam phổ biến. Năm 2014, thương hiệu “Cam Cao Phong” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, dấu mốc quan trọng để khẳng định tên tuổi và mở rộng không gian thị trường.

Cam Cao Phong đang đứng trước nhiều thử thách. Ảnh: Ngọc Hoa

Cam Cao Phong đang đứng trước nhiều thử thách. Ảnh: Ngọc Hoa

Thế nhưng, giữa guồng quay ngày một khốc liệt của thị trường và chuẩn mực tiêu dùng ngày càng khắt khe, cam Cao Phong đang đứng trước nhiều thử thách. Theo bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Nông sản Cao Phong cho biết, rào cản lớn nhất hiện nay không nằm ở chất lượng sản phẩm, mà ở cách tổ chức sản xuất và năng lực đưa sản phẩm ra thị trường.

Cam Cao Phong chủ yếu vẫn được trồng theo quy mô hộ nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chuỗi và chưa được chuẩn hóa theo các tiêu chí quốc tế như VietGAP, GlobalGAP. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn sơ khai, sản phẩm chưa có mã QR truy xuất hay bao bì hiện đại. Vì vậy, dù cam ngon, nhưng lại khó cạnh tranh với những vùng có sự đầu tư bài bản về hình ảnh, quảng bá và bao gói như Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La…”, Giám đốc Hợp tác xã 3T Nông sản Cao Phong trăn trở.

Không chỉ thiếu chuẩn hóa, cam Cao Phong cũng đang “tụt hơi” trên đường đua số hóa. Số hợp tác xã và hộ nông dân biết livestream bán hàng, tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử còn đếm trên đầu ngón tay. Việc thiếu kỹ năng truyền thông và không có mối liên kết bền chặt với doanh nghiệp phân phối khiến nông dân vẫn lệ thuộc vào thương lái, hệ quả là bị ép giá, mất lợi thế và thiếu bền vững.

Đánh thức tiềm năng

Muốn cam Cao Phong hồi sinh thời hoàng kim, không thể chỉ dựa vào “cam ngọt” mà phải có chiến lược xúc tiến thương mại mạnh mẽ, bài bản và có chiều sâu. Như một dòng suối cần những con đập dẫn nước, thương hiệu cam Cao Phong cũng cần một hệ sinh thái được xây dựng từ chính sách đến thị trường, từ nông dân đến nhà phân phối.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình chia sẻ, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến nhằm nâng tầm sản phẩm như Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 8 và Hội chợ Thương mại – Du lịch năm 2024 đã thu hút hàng nghìn lượt khách, là dịp để sản phẩm “chào sân” thị trường một cách quy mô và bài bản.

Cam Cao Phong hiện lên như một biểu tượng đầy kiêu hãnh của Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt

Cam Cao Phong hiện lên như một biểu tượng đầy kiêu hãnh của Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt

Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho người dân và hợp tác xã, thông qua các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, marketing số, livestream, xây dựng thương hiệu… Song song, địa phương cũng chủ động kết nối với các nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Lazada, Shopee… nhằm mở rộng thị trường nội địa và tìm lối ra cho xuất khẩu.

Đặc biệt, việc tái cấu trúc lại chuỗi giá trị giữa người trồng – hợp tác xã – doanh nghiệp chế biến – nhà phân phối được coi là yếu tố sống còn. Các hợp đồng bao tiêu có thời hạn, chính sách tín dụng ưu đãi cho đầu tư sơ chế, kho lạnh, sản xuất tinh dầu vỏ cam, mứt cam, nước ép… chính là chìa khóa để gia tăng giá trị, giảm áp lực tiêu thụ cam tươi theo mùa vụ.

Để cam Cao Phong phát triển bền vững, điều tiên quyết là nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư công nghệ bảo quản và đẩy mạnh thương hiệu gắn với bản sắc văn hóa người Mường. Cam không chỉ là quả, mà là di sản, là điểm đến, là trải nghiệm. Chúng tôi kỳ vọng du lịch nông nghiệp sẽ là hướng đi tiềm năng, nơi du khách được bước vào vườn cam trĩu quả, thưởng thức hương vị nguyên bản và lắng nghe câu chuyện vùng đất”, bà Hà chia sẻ.

Cam Cao Phong từ lâu không chỉ là cây trồng, mà còn là biểu tượng văn hóa, là sinh kế của hàng nghìn hộ dân nơi vùng núi Hòa Bình. Việc đầu tư xúc tiến thương mại, làm mới hình ảnh và thúc đẩy tiêu thụ chính là cách thiết thực nhất để vực dậy vùng cam đã từng làm nên tên tuổi.

Đã đến lúc không chỉ tự hào với “cam ngọt đất Cao Phong” mà phải dấn thân vào những thị trường rộng lớn hơn, bằng dữ liệu, công nghệ, sáng tạo và sự đồng hành chính sách. Đó là cách chúng ta giữ lại hương cam nồng nàn giữa lòng đất núi, và trao lại cho thế hệ sau một thương hiệu không phai màu theo năm tháng.

Từ những vạt nắng trải dài trên triền đồi đá vôi đến hương cam ngọt thấm đẫm bàn tay người Mường, cam Cao Phong không chỉ là sản vật của đất mà là kết tinh của khí trời, của lòng người và cả những nỗ lực không ngừng nghỉ để gìn giữ một biểu tượng. Nhưng để thương hiệu ấy không bị nhạt phai giữa thị trường đầy cạnh tranh, cần hơn bao giờ hết sự nâng đỡ từ bàn tay của các cấp chính quyền như một cánh buồm no gió đưa nông sản bản địa vượt sóng ra khơi xa.

Thiên Kim

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-thuong-mai-cu-hich-lam-moi-thuong-hieu-cam-cao-phong-385526.html
Zalo