Bài toán 'tồn tại hay không tồn tại' với doanh nghiệp Việt
Trước áp lực ngày càng lớn từ thị trường, từ khách hàng, nhà đầu tư, ngày càng nhiều doanh nghiệp lồng ghép các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến dữ liệu ESG”
Khi nhà đầu tư thẩm định chuyên sâu trước thương vụ (DD - Due Diligence), theo cách thức truyền thống, họ dựa vào thông tin tài chính hiện tại, quá khứ và tính sinh lời trong tương lai. Còn giờ đây, họ điều tra cả về dữ liệu ESG.
Các nhà đầu tư sẽ sử dụng thông tin dựa trên báo cáo của doanh nghiệp. Khi các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn về dữ liệu ESG, có nhiều báo cáo doanh nghiệp phải lập, theo quy định trong nước hoặc theo báo cáo của các tổ chức lớn mà họ đưa ra như IFC.
Dù báo cáo ESG (báo cáo phát triển bền vững) đóng vai trò ngày càng quan trọng, song nhiều doanh nghiệp vẫn để báo cáo này nằm trong báo cáo thường niên. Số công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng rất khiêm tốn. Hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lượng báo cáo báo cáo phát triển bền vững được lập riêng hàng năm chưa đến con số 50.
Thực tế là bộ chỉ số ESG và chương trình hành động được lập rõ ràng thì nhà đầu tư quan tâm có thể theo dõi và hữu ích trong thu hút đầu tư, trong quan hệ với nhà đầu tư.
“Luôn coi trọng các nguyên tắc phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh”
Là công ty chuyên sản xuất - kinh doanh thực phẩm và đồ uống, Nafoods luôn coi trọng các nguyên tắc phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường.
Nafoods thúc đẩy các hoạt động phát triển vùng trồng, đồng hành cùng bà con nông dân, thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác phát triển vùng trồng với hơn 2.500 nông hộ. Việc này vừa giúp ổn định nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất trong hệ thống, đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, vừa giúp người nông dân nâng cao hiệu quả đầu tư, ổn định thu nhập.
Đối với chiến lược bền vững liên quan đến môi trường, Nafoods quan tâm đến các yếu tố như hành động chống biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu này, một trong những điều quan trọng nhất mà Nafoods đang áp dụng là triển khai nhiều sáng kiến và biện pháp khác nhau nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, triển khai các chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thu gom và xử lý nước thải, thay thế thiết bị chiếu sáng hiệu quả... tại các cơ sở sản xuất.
“ESG được tích hợp vào chiến lược kinh doanh”
Với việc triển khai ESG, Agribank bắt đầu từ thống nhất trong hành động từ Hội đồng thành viên, Ban điều hành, đơn vị chức năng có liên quan. Xa hơn, Agribank đã ban hành cam kết triển khai ESG, được công khai trên website của Ngân hàng, để truyền thông đến từng nhân sự và khách hàng hiểu bản chất và cách thực hiện của bộ tiêu chí này. Đây là động thái để ESG trở thành văn hóa cũng như tích hợp vào chiến lược kinh doanh và rà soát hàng năm.
Agribank thuận lợi trong triển khai ESG bởi đã nhận được gói tư vấn của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) thông qua Mekong Strategic Partners (MSP), giúp Ngân hàng xây dựng chính sách và hệ thống quản trị rủi ro môi trường và xã hội (E&S) trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, Agribank ban hành Quy định nội bộ số 1289, thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng do NHNN ban hành. Agribank cũng tích cực tham gia và chủ động tổ chức chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức về ESG cho các nhân sự trong hệ thống.
Bên cạnh những thuận lợi, Agribank cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ESG, như trình độ của cán bộ tín dụng trong thẩm định dự án lĩnh vực xanh còn hạn chế. Về hoạt động đo lường, đánh giá một số yếu tố của bộ tiêu chí ESG như tín chỉ các-bon, tiết kiệm năng lượng điện, nước, giấy… là vấn đề khá khó khăn với một ngân hàng có tổ chức lớn, mạng lưới khách hàng lớn như Argibank. Cuối cùng, các quy định hiện hành chưa quy định về tiêu chí xanh, danh mục xanh, các chính sách chưa đồng bộ, nên việc lựa chọn và thẩm định cho vay dự án xanh vẫn còn gặp khó khăn.
“ESG là yếu tố giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín”
ESG có vai trò quan trọng và tất yếu trong hoạt động doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may như TCM nói riêng. ESG không những mang tính chiến lược, mà còn là yếu tố giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu trên con đường phát triển bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp có chiến lược ESG mạnh mẽ thường được đánh giá cao bởi các khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan khác, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.
Tại TCM, hoạt động ESG được xây dựng từng bước và thực hiện theo lộ trình dựa vào nguồn lực của doanh nghiệp. Năm 2025, Công ty dự kiến triển khai thực hiện cụ thể như sau:
Về lĩnh vực môi trường (E), bên cạnh tối ưu hóa việc sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời tại hai nhà máy may Vĩnh Long, Công ty dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà máy sợi ở Trảng Bàng, Tây Ninh với công suất khoảng 4.000 MWP nhằm giảm phát thải ra môi trường; nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh khối thay cho than đá tại các nhà máy; tái sử dụng nguồn nước thông qua hệ thống lọc RO nhằm tiết kiệm nước.
Về lĩnh vực xã hội (S), Công ty chú trọng nâng cao các chế độ, chính sách lương, thưởng, phúc lợi và hỗ trợ kịp thời đối với người lao động, tiếp tục đầu tư phát triển hoạt động xã hội cộng đồng (CSR) trong và ngoài Công ty.
Về hoạt động quản trị (G), Công ty luôn chú trọng đến tính minh bạch trong công bố thông tin và các giao dịch công bằng, đặc biệt chú trọng đến các hoạt động quản trị rủi ro, nâng cao năng lực quản lý trong đội ngũ lãnh đạo, đầu tư cho hoạt động mang tính chiến lược như R&BD, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
“Sức ép từ nhà đầu tư quốc tế khiến doanh nghiệp phải chuyển mình”
Chính sức ép đến từ các nhà đầu tư quốc tế khiến cho các doanh nghiệp Việt phải chuyển mình, để nâng cao tính cạnh tranh. Ngày từ thời điểm triển khai xây dựng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã theo đuổi mục tiêu khu công nghiệp sinh thái, cộng với đảm bảo an sinh xã hội. Môi trường là vấn đề được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, sau đó đến đời sống công nhân, người lao động và cuối cùng là một hệ thống quản trị, vận hành khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hoàn toàn trực tuyến.
Tiêu chuẩn ESG được xem là một công cụ giúp đánh giá mức độ thực hành phát triển bền vững của doanh nghiệp, mô tả những khía cạnh gồm: môi trường, xã hội và quản trị. Shinec đã tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh của mình trong ngắn hạn và dài hạn. Báo cáo này đóng góp vai trò quan trọng trong việc cung cấp cái nhìn tổng quan về hiệu quả các chỉ số cụ thể và các mục tiêu mà doanh nghiệp đã đề ra, qua đó, đóng góp vào việc xây dựng một môi trường bền vững hơn.
“Thực hiện tốt ESG, doanh nghiệp có “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn xanh”
STP là doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu hạ tầng nông nghiệp bền vững trên biển. STP đã và đang thực hành ESG từ chính người lãnh đạo và truyền cảm hứng đến các đối tác, người nông dân cùng bảo vệ môi trường, bảo vệ màu xanh của biển.
Ba tháng thực hiện ESG vừa qua đối với chúng tôi
là dòng chảy hạnh phúc. Chúng tôi nhận thấy, muốn thành công phải triển khai ESG, dù quá trình thực hiện nhiều
khó khăn.
Nông nghiệp bền vững đang là xu hướng tại Việt Nam. Doanh nghiệp không tự chuyển đổi, không thực hành ESG thì không thể bắt kịp xu hướng trong nước, chưa nói tới xu hướng thế giới.
ESG giúp doanh nghiệp tăng sức thu hút dòng vốn đầu tư. Một số ngân hàng quốc tế, một số tổ chức quốc tế đã bày tỏ mong muốn cùng STP tiếp tục những công việc mà STP đang kiên trì thực hiện. Trong đó, một tổ chức của Bỉ đã chính thức tham gia cùng dự án của STP.
Doanh nghiệp thực hành ESG có khả năng thu hút vốn tốt nhưng thực sự phải làm thật, đồng hành cùng hoạt động phát triển bền vững sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn xanh.