Bài 1: Từ 'tiên dược' hoàng gia đến hàng giả đội lốt nhập khẩu

Vụ án thực phẩm chức năng giả tại Trung Quốc không chỉ gây chấn động vì số tiền lừa đảo lên tới hàng trăm triệu NDT mà còn vì mức độ tinh vi khi kết hợp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo dựng niềm tin giả mạo.

Vụ án TPCN giả chấn động Trung Quốc

Năm 2013 xảy ra “Vụ án Trấn Giang” gây chấn động. Bằng cách làm giả bao bì, mạo danh danh y và quảng cáo gian dối “sản xuất theo công thức bí truyền của triều Thanh", một số doanh nhân bất lương ở Trấn Giang, Giang Tô đã đóng gói thực phẩm chức năng (TPCN) thông thường có giá chỉ từ 12 đến 31,2 NDT một chai thành các sản phẩm “Ngự dụng thượng phương” rồi bán với giá từ 1.980 đến 3.980 NDT.

Họ tuyên bố rằng các sản phẩm này có tác dụng chữa bách bệnh và kéo dài tuổi thọ, lừa đảo hàng chục nghìn người cao tuổi kiếm được tổng số tiền hơn 140 triệu NDT.

Họ rêu rao sản phẩm này chứa 99 loại dược liệu quý (nhưng chỉ có 60 loại thực sự được biết đến, còn lại đều là bịa tên), sau đó thuê một người thất nghiệp chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở đóng giả làm "giảng viên danh y" nói về nó trong các buổi thuyết trình về dưỡng sinh.

Khi những người già nghe nói đó là "tiên dược" mà các hoàng đế nhà Thanh đã dùng, họ lập tức rút hết tiền lương hưu của mình, cuối cùng mua về nhà chỉ là một đống viên kẹo ép.

 Thực phẩm chức năng Ngự dụng thượng phương" bí truyền triều Thanh đắt giá thực ra chỉ là một loại kẹo. Ảnh: NetEase.

Thực phẩm chức năng Ngự dụng thượng phương" bí truyền triều Thanh đắt giá thực ra chỉ là một loại kẹo. Ảnh: NetEase.

Chiêu trò này có thể lừa được hàng chục nghìn người, cho thấy băng nhóm lừa đảo nắm bắt được điểm yếu của bản chất con người, lợi dụng lòng sùng bái với truyền thống và nỗi lo lắng về sức khỏe, cộng thêm chút tiếp thị kích cầu "ưu đãi có hạn", chắc chắn là cách lừa đảo hiệu quả nhất.

Ứng dụng công nghệ AI để lừa đảo

Trong một vụ việc khác, trên sàn thương mại điện tử xuất hiện loại cao dán có tên "Miao Gu Jin Tie" đang bán chạy như tôm tươi. Lý do bán chạy là nhà sản xuất khẳng định nó được người thừa kế di sản văn hóa phi vật thể "công thức bí truyền thiên niên kỷ" làm ra và được thiết kế đặc biệt để đặc trị chứng đau cổ và đầu gối.

Các phóng viên đã vạch trần sự thật và phát hiện ra rằng người râu tóc bạc phơ được nhà sản xuất nói là "người thừa kế di sản văn hóa phi vật thể" thực chất là một người giả do AI tạo ra.

Điều nực cười hơn nữa là chứng chỉ vàng "di sản văn hóa phi vật thể" cũng là chứng chỉ giả do một tổ chức giả cấp.

 Nhân vật "Người thừa kế di sản" được tạo ra bằng AI. Ảnh: NetEase.

Nhân vật "Người thừa kế di sản" được tạo ra bằng AI. Ảnh: NetEase.

Sản phẩm nội đội lốt TPCN nhập ngoại

Tháng 4/2025, một phóng viên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã cải trang thành một nhà phân phối, thâm nhập vào một tập đoàn sản xuất TPCN giả. Anh ta đã ghi lại được những hình ảnh gây sốc về những thùng nguyên liệu thô mốc meo chất đống trong nhà vệ sinh và cảnh công nhân đổ thứ bột không rõ nguồn gốc vào vỏ nang có in chữ nước ngoài.

Những thứ được gọi là "hàng nhập khẩu cao cấp" này được dán nhãn "vận chuyển trực tiếp từ kho ngoại quan" và được nằm trong tủ thuốc của các gia đình trung lưu ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Điều hoang đường hơn nữa là việc “nâng cấp công nghệ” của chuỗi công nghiệp. Một loại collagen được nói là "chiết xuất từ nước sông băng Thụy Sĩ" nhưng khi quét mã QR trên bao bì lại thành "dây chuyền sản xuất thời gian thực tại dãy Alps".

Nhưng tại thực địa, camera phóng viên hướng tới một nhà kính lợp nhựa ở một huyện thuộc tỉnh Hà Bắc. Bối cảnh những ngọn núi phủ tuyết được tạo bằng cách sử dụng màn hình, thậm chí cả "kỹ thuật viên nước ngoài" trên dây chuyền lắp ráp cũng được tạo ra bằng cách thay đổi khuôn mặt bằng AI.

Vương Đào, một người làm nghề thương mại điện tử xuyên biên giới ở Hàng Châu, tiết lộ: một số kho ngoại quan từ lâu đã trở thành trạm trung chuyển hàng giả. Ông đã đích thân chứng kiến dầu cá sản xuất trong nước được vận chuyển đến khu vực kho ngoại quan ở một quốc gia Đông Nam Á đóng gói và gửi trở lại các sàn thương mại điện tử trong nước, nhưng thông tin logistics lại cho thấy "đã hoàn tất thông quan tại Los Angeles, Mỹ".

 Một số loại TPCN ngoại giả bị CCTV lật tẩy. Ảnh: Toutiao.

Một số loại TPCN ngoại giả bị CCTV lật tẩy. Ảnh: Toutiao.

“Người tiêu dùng khi nhìn thấy tờ khai hải quan thì yên tâm, chẳng ai kiểm tra tính xác thực của số tờ khai”. Vương Đào đưa ra một ví dụ. Khi một sản phẩm lutein "nhập khẩu từ Đức" được yêu cầu xác thực, cư dân mạng đã xác minh rằng "số chứng nhận EU" do người bán cung cấp thực ra tương ứng với một trang web chính thức của một hiệu thuốc không hề tồn tại tại một thị trấn nhỏ ở Đức.

Một người mua ở Tô Châu sau khi mua "sữa bột nhập khẩu từ Australia", phát hiện mã vạch được phun ở đáy lon không khớp với định dạng của trang web chính thức. Người bán hàng giải thích rằng "sự khác biệt là do các lô hàng khác nhau", nhưng sau khi so sánh dữ liệu hải quan, lô hàng này chưa bao giờ được nhập vào Trung Quốc.

Cạm bẫy thực tế ảo

"Gia đình thân mến! Đây chính là lactoferrin mà tôi và một chuyên gia người Nhật đã bay qua đêm đến một trang trại ở Australia để lấy!", một người dẫn chương trình đã xúc động kể "câu chuyện lấy hàng cảm động".

Sự thật bên ngoài được ống kính ghi lại là cái gọi là "trang trại Australia" thực chất là một phim trường tại Trường quay Điện ảnh và Truyền hình ở Chiết Giang, "chuyên gia Nhật" là một diễn viên quần chúng ở Hoành Điếm…

Đó là kịch bản cố định, với các cuộc “đột kích vào phòng thí nghiệm ở nước ngoài" vào sáng sớm, cảnh "van nài xin giảm giá" và màn kịch "bán hết hàng trong vài giây".

Một cựu nhân viên của một công ty truyền thông đa phương tiện ở Bắc Kinh tiết lộ rằng một số phòng phát sóng trực tiếp sử dụng công nghệ thực tế ảo để tạo ra hình ảnh giả về giao dịch xuyên biên giới. Người tiêu dùng nghĩ rằng họ đang xem trực tiếp các vụ giao dịch ở nước ngoài, nhưng thực chất đó là các video được ghi lại từ trước.

(Còn tiếp)

Theo NetEase, Toutiao

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bai-1-tu-tien-duoc-hoang-gia-den-hang-gia-doi-lot-nhap-khau-post185684.html
Zalo