Tiểu phẩm họ nói rất đúng, 'Thuốc giả, bác sỹ giả, chỉ có con tôi chết là thật'

Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Bộ Luật Hình sự, đại biểu Quốc hội cho rằng hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cần xử phạt nghiêm khắc hơn so với các loại hàng giả khác...

Chiều ngày 20-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Dự thảo dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở BLHS hiện hành. Nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh.

Tranh cãi bỏ tử hình với một số tội danh

Nêu ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho hay bà rất băn khoăn trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 4 tội: tham ô tài sản; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và vận chuyển trái phép chất ma túy.

Nhận định đây đều là các loại tội phạm có xu hướng ngày càng phức tạp, bà lo ngại việc bỏ án tử hình sẽ khiến tình hình tội phạm càng thêm nhức nhối.

Bà Lan nói một bác sĩ học hành “không đến nơi đến chốn”, trong ca phẫu thuật nếu xảy ra sai sót có thể dẫn tới hậu quả chết một người. Thế nhưng, với một dược sĩ, khi đã táng tận lương tâm sản xuất thuốc giả thì có thể khiến cả loạt người mất mạng, “không xứng đáng làm người”, phải bị xử lý cho thích đáng.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Bà Lan cũng cho rằng theo logic thông thường, nếu tình hình tội phạm giảm thì có thể nghiên cứu việc giảm án; ngược lại, nếu tội phạm ngày càng phức tạp thì sẽ nghiên cứu tăng hình phạt. Vậy đặt trong bối cảnh các loại tội danh đang có chiều hướng phức tạp như đã nêu, việc bỏ hình phạt tử hình liệu có phù hợp?

Theo bà, việc duy trì mức án nghiêm khắc dù không phải là giải pháp duy nhất để phòng, chống tội phạm, nhưng ít nhiều sẽ mang lại ý nghĩa răn đe, để tội phạm biết sợ, đồng thời cho thấy sự quyết liệt của nhà nước trong việc xử lý hành vi phạm tội.

Nếu cho rằng bỏ án tử hình để bảo đảm tính nhân văn, bà Lan đặt vấn đề ngược lại, vậy với cộng động, với người bị hại thì sao, nhất là các tội danh về vận chuyển ma túy hoặc sản xuất thuốc giả. “Lúc vi phạm có nghĩ đến lúc bị trừng phạt hay không?”, bà nói.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội). Ảnh: Trọng Phú

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội). Ảnh: Trọng Phú

Có quan điểm trái ngược, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội) cho rằng việc giảm án tử hình đối với 8 tội là phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Theo ông, trong 8 tội danh được đề xuất giảm án tử hình, tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh áp dụng hình phạt tử hình là ‘quá nghiêm khắc’. Bởi lẽ, người sản xuất thực tế người ta không lường được hậu quả có thể gây tác hại chết nhiều người, mục đích chính của họ chỉ vì lợi nhuận.

Tương tự, đối với tội nhận hối lộ, tội tham ô, đây là tội phạm kinh tế nên theo ông, việc không áp dụng án tử hình là có căn cứ và đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước, đặc biệt khi người tham ô, người nhận hối lộ bồi thường tài sản.

“Thuốc giả, bác sỹ giả chỉ có con tôi chết là thật”

Đồng tình với việc bỏ một số tội có hình phạt tử hình, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho hay hiện nhiều quốc gia hoặc là không quy định hình phạt tử hình, hoặc có nhưng không thi hành. Theo ông, việc duy trì án tử hình cũng ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và cả hoạt động tư pháp.

“Tôi ủng hộ chủ trương giảm bớt một số tội có án tử hình, và trong tương lai có thể tiến tới bỏ hẳn hình phạt này”, ông nói.

Tuy nhiên, đại biểu Trung bày tỏ băn khoăn khi bỏ hình phạt tử hình đối với nhóm tội danh liên quan đến ma túy, đặc biệt là tội “vận chuyển”.

 Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Theo ông, Quốc hội vừa thông qua chương trình phòng, chống ma túy quốc gia, trong đó nhấn mạnh việc giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Đảng và Chính phủ thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đẩy lùi tệ nạn ma túy, nhưng thực tế, tội phạm này hiện rất đa dạng từ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng…

Dự thảo luật lần này chỉ đề xuất giảm hình phạt tử hình đối với tội “vận chuyển”. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh miền núi, người dân vì hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, dễ bị lôi kéo vào vận chuyển ma túy.

“Có người nghĩ đơn giản: vận chuyển vài gam thì không vấn đề gì. Nhưng nếu vận chuyển đến hàng tấn thì sao? Có nước còn dùng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy – tác hại khôn lường! Do đó, tôi cho rằng tội vận chuyển ma túy vẫn cần giữ hình phạt tử hình nhưng nên có sự phân hóa theo mức độ, tính chất hành vi phạm tội”, ông Trung nói.

Liên quan đến loại tội phạm về hàng giả, đại biểu Trung nêu quan điểm “trong các mặt hàng giả, thuốc giả là nguy hiểm nhất, cần xử phạt nghiêm khắc hơn so với các loại hàng giả khác”.

“Tôi còn nhớ trong một tiểu phẩm, người cha đã rất xót xa khi nói một câu: “Thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ có con tôi chết là thật”. Câu nói đó, dù trong tiểu phẩm nhưng phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề này”, đại biểu Trung nói.

Cùng đề cập đến thuốc giả, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) cho rằng hầu hết vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, với phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng.

"Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người", đại biểu cho hay.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều ngày 20-5, Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) bày tỏ đồng tình với xuất bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, tuy nhiên ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích cụ thể nó khác với tù chung thân ở chỗ nào.

Chẳng hạn khi tuyên hình phạt này thì trong những đợt đặc xá, ân xá lớn có được xét giảm án không? “Nếu có thì hình thức tuyên này có thể mất đi ý nghĩa, bởi tù chung thân không xét giảm án đồng nghĩa ‘ở tù mãi mãi’” – ông Sang nói và đặt vấn đề liệu khi đó, quy định này có còn cần thiết nữa?

Đại biểu Sang cũng đề nghị cân nhắc việc “hình sự hóa” việc sử dụng trái phép chất ma túy. Ông cho biết đây là điều luật mới bởi theo quy định hiện hành thì những người có hành vi này không phải là tội phạm.

“Việc cai nghiện trong thực tế không phải dễ, nhiều trường hợp dù đã cai nghiện thành công nhưng sau đó lại tái nghiện” – ông nói và cho rằng nếu quy định như vậy thì khi tái nghiện, những người đó sẽ bị truy tố, khởi tố. Điều này cũng sẽ gây khó khăn cho họ khi quay về, hòa nhập với cuộc sống đời thường. “Liệu ai, công ty nào sẽ nhận một người mang thân phận là tội phạm dù họ đã chấp hành xong án phạt” – đại biểu Sang nêu vấn đề.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tieu-pham-ho-noi-rat-dung-thuoc-gia-bac-sy-gia-chi-co-con-toi-chet-la-that-post850768.html
Zalo