Vĩnh Phúc: Tăng cường kiểm tra, bảo vệ người tiêu dùng

Vừa qua lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Vĩnh Phúc - Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm và hàng hóa giả mạo, buôn bán sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngày 13/5, Đội QLTT số 5 (Cơ động) phối hợp với Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh Vĩnh Phúc), cùng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại TP Vĩnh Yên.

Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu.

Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu.

Cơ sở bị kiểm tra là nhà hàng Thanh Mai (TDP Đông Thành, phường Đồng Tâm) do ông Bùi Văn Thảo (trú tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 22 con lợn thịt đã mổ, bỏ nội tạng, với tổng trọng lượng khoảng 770 kg. Toàn bộ số thịt có dấu hiệu bốc mùi hôi thối, xuất huyết ngoài da, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y và không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Đội QLTT số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính, xác định hành vi vi phạm và phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn không đảm bảo an toàn.

Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra đột xuất nhà hàng Thanh Mai tại TP. Vĩnh Yên. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc

Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra đột xuất nhà hàng Thanh Mai tại TP. Vĩnh Yên. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc

Trước đó, ngày 7/5 Đội QLTT số 5 (Cơ động) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) và Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, qua kiểm tra thực tế đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh hàng hóa vi phạm gồm 300 chai Dầu gội đầu nhãn hiệu TRESEMME loại 370ml, 450ml do nước ngoài sản xuất (Made in THAILAND), không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, là hàng giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam và hơn 400 chai dầu gội đầu các nhãn hiệu SUNSILK, PANTENE, CLEAR, DOVE loại 370ml, 380ml, 400ml, 410ml và 22 chai Lăn khử mùi nhãn hiệu Scion Brightening loại 75 ml toàn bộ do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc là hàng hóa nhập lậu. Ngày 14/5 Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.

Gần 800kg thịt lợn ôi thiu, không dấu kiểm soát giết mổ bị lực lượng chức năng Vĩnh Phúc tiêu hủy. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc.

Gần 800kg thịt lợn ôi thiu, không dấu kiểm soát giết mổ bị lực lượng chức năng Vĩnh Phúc tiêu hủy. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc.

Một vụ việc khác được phát hiện ngày 29/4 tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất VINFOODS. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đang sản xuất và lưu kho 233.100 sản phẩm bánh mì các loại như bánh mì socola, ca cao, nhân việt quất… với tổng giá trị gần 276 triệu đồng. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 5 xác định công ty đã có hành vi gian lận về thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm, vi phạm nghiêm trọng Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và các nghị định liên quan.

Các sản phẩm ghi ngày sản xuất là 02/5/2025 trong khi thời điểm kiểm tra là 29/4, dấu hiệu cho thấy việc ghi nhãn không trung thực. Dù doanh nghiệp xuất trình đầy đủ hồ sơ công bố sản phẩm, giấy chứng nhận ISO 22000:2018, hóa đơn nguyên liệu… nhưng hành vi gian lận nhãn mác vẫn bị xử lý nghiêm. “Đội QLTT số 5 sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, lãnh đạo Đội QLTT số 5 cho hay.

Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra Hộ kinh doanh Đức Phúc thu giữ hơn 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra Hộ kinh doanh Đức Phúc thu giữ hơn 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đội QLTT số 1- Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm đếm tang vật tạm giữ.

Đội QLTT số 1- Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm đếm tang vật tạm giữ.

Chi cục trưởng Chi cục QLTT - Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Trung cho biết: “Chi cục đang đẩy mạnh công tác kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.” Thời gian qua, Chi cục QLTT - Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và chống hàng giả, hàng nhập lậu. Lực lượng QLTT không chỉ chủ động tổ chức kiểm tra định kỳ mà còn triển khai các đợt kiểm tra đột xuất, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đoàn Kiểm tra kiểm tra hàng hóa tại xưởng may (Yên Khánh - Ninh Bình)

Đoàn Kiểm tra kiểm tra hàng hóa tại xưởng may (Yên Khánh - Ninh Bình)

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm soát gian lận thương mại tại Vĩnh Phúc đang được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, phản ánh sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi. Người dân được khuyến cáo nên mua sản phẩm từ những địa chỉ uy tín, có kiểm định rõ ràng, tránh ham rẻ mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp phát hiện hàng hóa nghi ngờ giả mạo, hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu mất an toàn, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Thời gian tới, Chi Cục QLTT - Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như công an, y tế, nông nghiệp và chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi giám sát. Đồng thời, Cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, từ đó phòng ngừa vi phạm từ gốc. Song song đó, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong giám sát thị trường cũng được ưu tiên triển khai, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và phát triển bền vững tại địa phương.

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc tại TP Cẩm Phả

Ngày 15/5, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Đức Phúc tại phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả, phát hiện và tạm giữ trên 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh của cơ sở này có trên 2,1 tấn thực phẩm gồm: mỡ lợn, mực ống, ruốc gà, vụn cá… Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh là ông Nguyễn Văn Tuyên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 95 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản kiểm tra, tiến hành tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm để xử lý theo quy định; đồng thời, thực hiện hoàn tất hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hộ kinh doanh với khung phạt là 70 triệu đồng. Hay ngày 14/5, Đội QLTT số 1, phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2 – Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám phương tiện vận tải mang biển kiểm soát 29H-884.61 do ông Nguyễn Văn Hạnh (trú tại xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển. Xe thuộc Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Kim Quy, đang thực hiện giao hàng tại Trung tâm khai thác Viettel Post Quảng Ninh (Lô 20, khu công nghiệp Cái Lân, phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có nhiều sản phẩm gồm sữa bột, thực phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, với tổng trị giá gần 70 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được Đội QLTT số 1 tiếp tục xác minh, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Từ ngày 15/4 -15/5, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý gần 60 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền gần 700 triệu đồng, phát hiện nhiều lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thái Bình: Tiêu hủy trên 300kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 16/5, Đội QLTT số 2 - Chi cục QLTT tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Công an Phường Hoàng Diệu tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh H.V.T, địa chỉ: Tổ 12, Phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh của hộ kinh doanh có trên 3 tạ thực phẩm đông lạnh gồm: 200 kg tim lợn, 80 kg đuôi bò, 45kg chân gà… Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh là ông H.V.T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên. Trị giá hàng hóa vi phạm: 19.550.000 đồng. Cùng ngày, Đội trưởng Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh H.V.T số tiền 12 triệu đồng, buộc hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm trên theo quy định của pháp luật.

Trong tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ 15/5-15/6, Đội QLTT số 2 tiếp tục thực hiện theo sự chỉ đạo của Chi cục QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm…gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng; kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe của người dân.

Phát hiện xưởng sản xuất hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại Ninh Bình

Ngày 15/5, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an tỉnh phát hiện xưởng may do bà Phạm Thị Mừng làm chủ (thôn Đông Mai, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh) đang sản xuất sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xưởng may đang sản xuất hơn 1000 sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dior, CD, Dolce & Gabbana và hình, GUCCI, BURBERRY và các phụ kiện may mặc, tem nhãn phục vụ sản xuất khoảng 54.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nói trên; Ngoài ra, tại xưởng phát hiện số lượng lớn vải (40 cây vải – khoảng 2 tấn) các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ kèm theo theo quy định. Vụ việc đang được Đoàn kiểm tra tiếp tục xác minh, xử lý làm rõ theo đúng quy định pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát cơ sở kinh doanh, nhà phân phối ở tất cả các địa bàn thành phố, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trân Trân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/vinh-phuc-tang-cuong-kiem-tra-bao-ve-nguoi-tieu-dung-i768952/
Zalo