Quốc hội bàn về hình phạt tù chung thân không xét giảm án
Đa số ý kiến thẩm tra tán thành việc bổ sung hình phạt mới tù chung thân không xét giảm án vừa hạn chế hình phạt tử hình vừa giúp Tòa án có thêm lựa chọn khi quyết định hình phạt.
Ngày 20-5, tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 52 điều của BLHS, trong đó bổ sung thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính.
Hình phạt này sẽ được áp dụng thay thế hình phạt tử hình đối với 8 tội danh có khung hình phạt tử hình trong BLHS hiện hành và bổ sung đối với 10/18 tội danh còn duy trì hình phạt tử hình.

Các đại biểu tham dự một phiên của Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp có 2 loại ý kiến. Đa số ý kiến tán thành việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 18 tội danh như quy định của dự thảo Luật. Việc bổ sung hình phạt mới này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, đáp ứng yêu cầu về hạn chế hình phạt tử hình, giúp Tòa án có thêm lựa chọn khi quyết định hình phạt.
Cùng với việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình, cơ quan thẩm tra cho rằng cần có hình phạt mới thay thế hình phạt tử hình, vừa bảo đảm răn đe, cách ly vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng hình phạt này.
Một số ý kiến đề nghị rà soát tất cả các tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có các tội quy định hình phạt tử hình trước thời điểm năm 2015, để bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, bảo đảm tính đồng bộ trong chính sách hình sự.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 39a quy định không áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên.
Do đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định theo hướng người đã bị kết án tù chung thân không xét giảm án mà thuộc trường hợp phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên thì được giảm thành tù chung thân.
Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi khoản 4 Điều 40 của BLHS quy định trường hợp người bị kết án tử hình thì được chuyển thành tù chung thân hoặc tù chung thân không xét giảm án. Với quy định này, cần làm rõ trường hợp nào thì được chuyển thành tù chung thân, trường hợp nào chuyển thành tù chung thân không xét giảm án để tránh tùy nghi khi áp dụng.
Hơn nữa, quy định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân không xét giảm án có liên quan thẩm quyền ân giảm của Chủ tịch nước, do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc và cần xin ý kiến của Chủ tịch nước về vấn đề này.
Trong khi đó, ý kiến khác trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng việc bổ sung hình phạt này là không hợp lý vì việc xét giảm hoặc không cho giảm án đối với người bị kết án tù chung thân là một nội dung thi hành chính sách hình sự của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở giai đoạn thi hành án phạt tù.
Nếu quy định vấn đề này thành một hình phạt độc lập là không phù hợp, sẽ phá vỡ nguyên tắc và thay đổi tính chất của hình phạt tù chung thân. Hình phạt tù chung thân không xét giảm án thực tế không khác biệt nhiều so với hình phạt tù chung thân.
Chưa kể, theo quy định tại dự thảo Luật, người bị kết án tù chung thân không xét giảm án cũng được ân giảm xuống tù chung thân. Điều này tạo ra sự thiếu nhất quán trong chính sách hình sự và làm giảm tính hiệu quả áp dụng hình phạt.
Từ các lý do trên, một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định về hình phạt tù chung thân không xét giảm án, mà nên xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 63 của BLHS theo hướng bổ sung quy định các trường hợp không xét giảm án đối với người bị kết án tù chung thân.
Theo dự thảo, tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đặc xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.