Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động, đi đầu phát triển giao thông và logistics
Tại Diễn đàn Logistics với chủ đề 'Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics' do Bộ Công thương phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức ngày 2/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động, đi đầu trong phát triển ngành logistics. Đây là mục tiêu khả thi khi Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
Đầu tàu phát triển ngành logistics
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan với những thành tựu mà lĩnh vực logistics đã đạt được trong thời gian qua, mà nhiều số liệu, chỉ số đã chỉ rõ. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn quan trọng trong phát triển ngành dịch vụ logistics.
LOGISTICS LÀ 1 TRONG 4 TRỤ CỘT KINH TẾ
Với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics đã được xác định là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn, là đầu mối của vùng Đông Nam Bộ.
Thủ tướng nhận định, sắp tới, quy mô thương mại quốc tế càng ngày càng phát triển. Do đó, Việt Nam phải sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển. Trong đó, các xu hướng phát triển như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển logistics để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Một đất nước phát triển không thể không phát triển logistics, một đất nước phát triển không thể phát triển một mình, mà phải lựa chọn con đường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi liên kết để phát triển” - Thủ tướng nói. Việc phát triển logistics phải đặt trong tổng thể lớn của thế giới để làm. Trong đó, nguồn lực bắt đầu từ tư duy. Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp. Đột phá bắt đầu từ thể chế.
Từ đó, Thủ tướng đề ra 3 mục tiêu cụ thể cho ngành logistics để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển thịnh vượng, giàu mạnh. Cụ thể, giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15%; nâng quy mô logistics trong GDP từ 10% lên 15%, phấn đấu 20%; quy mô của ngành logistics Việt Nam trong thế giới từ 0,4% thành 0,5%, phấn đấu 0,6%. Tốc độ phát triển ngành logistics từ 14 - 15% tăng lên 20%.
Để đạt được các mục tiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 7 giải pháp. Trong đó, cần nâng cao nhận thức, vai trò của logistics trong phát triển kinh tế đất nước, xác định vai trò vị trí của Việt Nam là trung tâm của khu vực Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội; phải đột phá về thể chế, bảo đảm thông thoáng để giảm chi phí, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng hạ tầng logistics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh; phát triển quản trị thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ngoại giao logistics nhưng cũng chú trọng hiện đại hóa nội địa; xây dựng, phát triển khu thương mại tự do, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông, kết nối với các khu thương mại tự do của thế giới và quốc tế.
“Trong sự phát triển này, Bà Rịa - Vũng Tàu phải đi đầu, chủ động kết nối bởi địa phương có những lợi thế không ở đâu bằng, vừa có đường hàng không lẫn đường biển thuận lợi. Cùng với đó, tỉnh phải tập trung xây dựng trung tâm công nghiệp quốc gia, quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo, điện gió khơi” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia
Thể hiện quyết tâm vươn mình của Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, để phát triển xứng với vai trò là cửa ngõ kết nối kinh tế vùng Đông Nam Bộ với cả nước, và là cửa ngõ giao thương quốc tế thông qua đường biển, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra các phương án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.
Quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, theo phương án tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ đa phương thức, bao gồm: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Hệ thống giao thông này sẽ kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động giao nhận vận tải. Điều này sẽ tăng thêm sức hút đầu tư, là động lực thúc đẩy kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển.
Về đường bộ, tỉnh tập trung xây dựng các dự án phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn gồm: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, QL 55, QL 56, QL5 1, QL 51C và đường ven biển… Theo quy hoạch sẽ phát triển hành lang vận tải thủy nội địa kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: Tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; Tuyến Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải) - TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh. Tuyến vận tải thủy ven bờ phục vụ vận chuyển hàng từ các cảng biển của tỉnh đi về khu vực Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.
Về đường sắt kết nối vùng sẽ có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường sắt đô thị, sau năm 2030, sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến gồm: Tuyến số 1 hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của TP. Vũng Tàu; Tuyến số 2 kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; Tuyến số 3 kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai). Về đường hàng không, tỉnh sẽ phát triển cảng hàng không Côn Đảo và 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng và sân bay Đất Đỏ.
Hiện nay, một số dự án giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đã và đang được khẩn trương thực hiện, tăng tốc về đích. Đây là những dự án rất cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra động lực mới, hình thành các không gian phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của tỉnh.
Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm đang triển khai, tỉnh cũng đã lên kế hoạch kêu gọi đầu tư các dự án quan trọng khác trong giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 dự án giao thông kết nối quan trọng gồm:
Đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này sẽ kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế phía Nam, kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Đông Nam Bộ, kết nối với cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng. Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế phía Nam góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ chất lượng cao theo quy hoạch đường sắt quốc gia.
Đường sắt kết nối cảng, chiều dài 14,4 km, kết nối các huyện trong tỉnh, kết nối với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng Cái Mép - Thị Vải và trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Dự án nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Côn Đảo thành cảng dân dụng tầm cỡ quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa./.