Bà Giáo giữ nghề truyền thống
Về xã miền núi Cán Khê (Như Thanh) hỏi thăm bà Vi Thị Giáo, người dân địa phương hầu như ai cũng biết. Là bởi những say mê với các giá trị văn hóa truyền thống của người phụ nữ dân tộc Thái đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của vùng đất, con người nơi đây.
Cách trung tâm xã Cán Khê hơn 5km, thôn Mó 1 với trên 85% người dân là đồng bào dân tộc Thái được biết đến là trung tâm của lễ hội Sết Boóc Mạy ở xã Cán Khê. Sau thời gian dài bị mai một, với nhiều nỗ lực phục dựng và bảo tồn, những năm gần đây lễ hội truyền thống Sết Boóc Mạy của người Thái ở Cán Khê đã được tổ chức thành công. Nếu như lễ hội là “tổng hòa” của nhiều yếu tố từ nghi lễ tâm linh, trang phục, điệu múa, tiếng hát... thì bà Vi Thị Giáo - một người dân trong thôn là người giữ vai trò quan trọng trong việc “nắm giữ” giá trị văn hóa truyền thống nói trên.
Theo chân trưởng thôn Mó 1 Lưu Huy Thanh, tôi đến nhà bà Vi Thị Giáo. Ấn tượng đầu tiên là chiếc khung dệt được đặt ngay trước nhà. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc chủ nhân đang say sưa dệt. Vừa làm việc, bà Vi Thị Giáo vừa chia sẻ: “Gần 60 năm qua, tôi chưa bao giờ ngơi nghỉ công việc bên khung dệt của mình. Những chiếc váy tôi mặc, chiếc khăn đội đầu, chăn, gối... đều một tay tôi tự dệt mà thành”.
“Khi còn là bé gái, một lần cõng em đi chơi thấy người ta mặc chiếc váy thổ cẩm có hình hoa văn quả trám đẹp mắt tôi đã rất thích thú. Về nhà, sẵn gia đình có khung dệt của người lớn, tôi bắt đầu học thêu, học dệt. Trước đây, việc dệt các sản phẩm thổ cẩm rất kỳ công bởi phải tự trồng bông, cán sợi, cung sợi, kéo sợi, nhuộm vải, dệt... mất đến cả năm. Bây giờ nguyên liệu đã có sẵn nên việc dệt cũng nhanh hơn”, bà Vi Thị Giáo cho biết thêm. Dẫu vậy, theo bà công việc dệt vải thổ cẩm thủ công thì vẫn cần sự tỉ mỉ và kỳ công. Dù là một “thợ dệt” có tay nghề cao nhưng có những tấm váy bà Vi Thị Giáo mất đến cả tháng ròng rã mới có thể hoàn thành bởi nhiều hoa văn phức tạp, nếu không chăm chỉ kiên trì và yêu thích thì rất dễ chán nản, bỏ cuộc.
Một điều đặc biệt của người phụ nữ dân tộc Thái Vi Thị Giáo là những năm qua khi nhiều người trong thôn đã “quên” hay thường chỉ mặc trang phục truyền thống vào đôi dịp đặc biệt trong năm thì bà lại duy trì thói quen này mỗi ngày. Bà cho biết: “Tôi thường xuyên mặc vì chưa bao giờ có ý nghĩ trang phục truyền thống của dân tộc mình là cũ kỹ, lạc hậu. Ngược lại, tôi tự hào vì những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. Tôi không muốn “đánh mất” bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Không chỉ vậy, tôi muốn lưu truyền văn hóa cha ông cho con cháu trong gia đình, cho người dân trong thôn. Đó cũng là lý do, dù cuộc sống thay đổi nhường nào thì khung dệt luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong ngôi nhà của chúng tôi”.
Ngoài việc tự dệt trang phục, vật dụng cho bản thân và người trong gia đình, bà Vi Thị Giáo còn dệt các sản phẩm bán cho người trong thôn. Bà cho biết: “Thực sự, có những chiếc váy để hoàn thành mất đến cả tháng mà giá chỉ dao động từ 500 - 800 ngàn đồng, chưa kể tiền mua nguyên liệu, nếu tính ngày công thì vô cùng ít ỏi. Nhưng có những công việc, nói như con trẻ bây giờ là làm vì... đam mê. Tôi vất vả, thiệt thòi một chút cũng không sao, chỉ hy vọng người dân không “quay lưng” với văn hóa truyền thống, để những nét đẹp văn hóa của cha ông được lưu giữ, trao truyền”. Đó cũng là lý do, những năm trước đây, trong khi khung dệt đã dần vắng bóng ở nhiều gia đình người Thái ở thôn Mó 1 thì tại gia đình bà Vi Thị Giáo, khung dệt vẫn được giữ gìn.
Không chỉ tự tay làm ra các trang phục thổ cẩm, với sự khéo léo và tài hoa, bà Vi Thị Giáo còn “điểm trang” thêm hoa văn cho những chiếc giỏ, túi xách do chồng bà là ông Đinh Xuân Nguyên đan lát mỗi ngày, với mục đích: “Tôi muốn tạo sự khác biệt và đẹp hơn cho những sản phẩm thủ công. Để dù bất cứ ai khi mua sản phẩm cũng có thể nhận ra sự tâm huyết của người làm ra nó”.
Tâm huyết giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái ở Cán Khê, bà Vi Thị Giáo đã trực tiếp tham gia đứng lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho hội viên phụ nữ là người trong thôn, xã. Bà Lê Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Thanh cho biết: “Trước đó chính hội viên Vi Thị Giáo đã hơn một lần bày tỏ tâm tư mong muốn có thể khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho người dân ở Cán Khê nhằm lưu giữ lại tinh hoa văn hóa người xưa”.
Trên tinh thần đó, năm 2022, Hội LHPN huyện Như Thanh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Như Thanh mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho chị em phụ nữ tại xã Cán Khê, trong đó chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái ở thôn Mó 1. Với mong muốn trước hết để chị em biết nghề và “đi trước đón đầu” hướng đến tương lai không xa thôn Mó 1 có thể trở thành điểm du lịch cộng đồng mới của huyện Như Thanh. Ở thời điểm hiện tại, so với các sản phẩm thổ cẩm công nghiệp giá rẻ trên thị trường thì các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công bị “yếu thế” bởi giá thành cao. Tuy nhiên, sự tinh xảo, khác biệt của những sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công là lợi thế rất lớn. Chúng tôi hy vọng rằng sau khi biết nghề và gắn với phát triển du lịch thì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân thôn Mó 1 sẽ thực sự “sống lại”. Tại lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại Cán Khê trong năm 2022, nghệ nhân Vi Thị Giáo được đặc biệt lựa chọn mời đứng lớp truyền nghề cho các hội viên tham gia. Có thể nói, bà Vi Thị Giáo là một người vô cùng tâm huyết, không ngại khó khăn, vất vả, tận tình trong việc truyền nghề và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Cán Khê - Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Thanh Lê Thị Giang khẳng định.
Nhận xét về những đóng góp của bà Vi Thị Giáo trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở thôn Mó 1, xã Cán Khê, ông Lưu Huy Thanh - trưởng thôn cho biết: “Những năm qua, trước sự mai một của nhiều nét văn hóa truyền thống thì với người dân thôn Mó 1, vợ chồng ông Đinh Xuân Nguyên và bà Vi Thị Giáo là điển hình tiêu biểu trong thôn với những nỗ lực gìn giữ và bảo tồn. Chính vợ chồng bà Giáo cũng là “chủ công” trong lễ hội Sết Boóc Mạy khi hai ông bà đóng vai trò là “ông Mo, bà Máy” thực hành các nghi lễ tâm linh, hướng dẫn người dân tham gia lễ hội. Có thể khẳng định, đóng góp của vợ chồng bà Giáo là vô cùng quan trọng”.